20/01/2024 - 11:52

Nâng cao kiến thức, kỹ năng của đội ngũ làm công tác trẻ em 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ vừa tổ chức 2 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em (TE), với trên 500 cán bộ làm công tác TE các cấp, trong đó phần đông là lực lượng cộng tác viên chăm sóc, bảo vệ TE ở ấp, khu vực tham gia. Qua đó, giúp lực lượng này có điều kiện cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng bổ ích; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE tại địa phương…

Cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng bổ ích

Với phương châm “ngắn gọn, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ thực hành”, lớp tập huấn, truyền thông tập trung vào những nội dung kiến thức trọng tâm, kỹ năng cốt lõi. Đa phần lực lượng cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc TE ở ấp, khu vực đều lớn tuổi, đảm  đương nhiều công việc của địa phương và đến với công tác này ngoài sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm, còn có cả tấm lòng yêu thương đối với trẻ. Cô Lê Thị Út ở quận Bình Thủy, bộc bạch: “Tham gia lớp truyền thông này, bên cạnh được triển khai, hệ thống lại các nội dung trọng tâm của các chương trình, đề án, kế hoạch liên quan đến công tác phòng, chống tai nạn, thương tích TE; chúng tôi còn được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là các kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại TE, tai nạn, thương tích TE. Đồng thời, được giao lưu, chia sẻ, thảo luận, giải đáp các thắc mắc, vấn đề liên quan đến công tác TE tại địa phương”.

Các cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc TE ở ấp, khu vực giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với giảng viên.

Theo thống kê, hiện nay, thành phố có 75 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với TE, chiếm tỷ lệ 90,36%.

Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH - Cơ quan Thường trực của Ban Điều hành bảo vệ, chăm sóc TE thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định, kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án nhằm kịp thời triển khai, cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống bạo lực, tai nạn, thương tích, đuối nước cho TE của từng năm và giai đoạn. Đặc biệt, trong năm 2023, Sở ban hành kế hoạch về xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích TE; kế hoạch về củng cố, nâng chất xã, phường, thị trấn phù hợp với TE giai đoạn 2023-2025… nhằm đề ra những giải pháp, hoạt động cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành liên quan ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước TE giai đoạn 2023-2030 tại TP Cần Thơ. Sắp tới đây, Sở LĐ-TB&XH cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Công an thành phố sẽ ký kết quy chế phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại TE.

Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền

Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến TE, trọng tâm của Luật TE năm 2016, các kiến thức liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích TE, kiến thức liên quan đến giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, trợ giúp pháp lý cho TE… Nội dung tuyên truyền được lựa chọn, chắt lọc, đổi mới theo hướng ngắn ngọn, thiết thực. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; chú trọng truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội. 

Để phòng ngừa TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thời gian qua, đặc biệt trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội triển khai, thực hiện và duy trì, nhân rộng mô hình “Giáo dục, phòng ngừa TE rơi vào hoàn cảnh đặc biệt”. Toàn thành phố đã thành lập được 20 CLB Tuổi Hồng tại tất cả 9 quận, huyện, thu hút trên 900 thành viên là học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tham gia. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Nội dung sinh hoạt xoay quanh tuyên truyền pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE; tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích nhằm nâng cao kỹ năng sống cho TE, giúp các em biết tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ dụng cụ học tập, học bổng, xe đạp… nhằm động viên, giúp đỡ kịp thời để các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Song song đó, Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương thường xuyên xây dựng và thực hiện chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE; nêu gương TE vượt khó, tiêu biểu, gắn với các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và TE trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết