Chiều 6-11, đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN làm trưởng đoàn, cùng NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đến khảo sát tại các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để khảo sát nhu cầu tiếp cận tín dụng khi tham gia đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án). Qua đó góp phần thúc đẩy mối dây liên kết hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, đầu tư tương xứng để đưa chuỗi ngành hàng phát triển ổn định và bền vững.
Đoàn công tác NHNN lắng nghe HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi trình bày về nhu cầu đầu tư của HTX khi tham gia vào Đề án 1 triệu héc-ta. Ảnh: MINH HÙNG
Đoàn đã đến khảo sát tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi là HTX đầu tiên được chọn thí điểm thực hiện Đề án tại Đồng Tháp, diện tích mô hình thí điểm 43ha với 20 hộ nông dân tham gia, thực hiện bắt đầu từ vụ thu đông năm 2024 và kéo dài trong 3 vụ liên tiếp. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống và 50% chi phí vật tư nông nghiệp, được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chi phí đánh giá phát thải khí nhà kính.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ với các nông hộ ở HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi về chính sách tín dụng dành cho chuỗi liên kết khép kín thuộc Đề án. Ảnh: MINH HÙNG
HTX mong muốn tiếp cận nguồn vốn từ Nhà nước và các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, bê tông hóa đê bao, đáp ứng yêu cầu sản xuất tiết kiệm nước, giảm thất thoát, giảm chi phi sản xuất. Các thành viên HTX cũng mong muốn tiếp cận vốn ngắn hạn, lãi suất thấp theo từng mùa vụ để mua phân bón, vật tư nông nghiệp, vay vốn mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác…
Đoàn công tác NHNN chụp ảnh lưu niệm cùng HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi. Ảnh: MINH HÙNG
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, có giấy phép xuất khẩu gạo từ năm 2022. Công ty có nhà máy với công suất 450.000-500.000 tấn lúa/năm tương đương với khoảng 250.000 tấn gạo và xây dựng kho dự chứa kho 50.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, DN chủ động liên kết nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao như ST 25, Nàng Hoa phục vụ thị trường khó tính.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (bìa phải) nghe DN trình bày về nhu cầu vốn đầu tư nâng cao năng lực chế biến, xuất khẩu. Ảnh: MINH HÙNG
Theo ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất mang tính chất mùa vụ, khả năng tài chính còn hạn chế. DN mong muốn được tiếp cận vốn vay theo từng từng mùa vụ sản xuất, vay vốn không cần qua tài sản thế chấp mà qua việc DN đồng hành, chia sẻ và đầu tư cho nông dân cho các cánh đồng liên kết hợp tác.
Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (bìa phải) chia sẻ về quá trình đầu tư mở rộng sản xuất, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Ảnh: MINH HÙNG
Là ngân hàng tiên phong đồng hành cùng Đề án, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Agribank đã chủ động ký kết với, thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm đầu mối triển khai chương trình tín dụng phục vụ đề án. Tham gia cùng đoàn khảo sát của NHNN, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ: Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHNN ban hành các văn bản hướng dẫn, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn tất cả các chi nhánh, đặc biệt là các chi nhánh khu vực Tây Nam Bộ triển khai cho vay theo Đề án. Hiện nay, ngoài những mô hình thí điểm, Agribank vẫn đang triển khai các chương trình cho vay lúa gạo nói riêng, cũng như tất cả các chương trình khác. Khi tham gia Đề án, Agribank đưa ra chính sách hỗ trợ giảm lãi suất tối thiểu là 1% cho các đối tượng tham gia vào chương trình này. Hiện nay, Agribank là tổ chức tín dụng dẫn đầu về cho vay đối với hộ nông dân. Qua tham quan mô hình HTX, hộ nông dân là đầu mối quan trọng nhất. Agribank đã cho vay nông hộ và đang muốn hướng đến cho vay theo chuỗi khép kín trong chương trình này. Khi đó từ hộ nông dân, các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, các doanh nghiệp đầu mối thu mua, chế biến, xuất khẩu đều thuận lợi tiếp cận vốn. Các điều kiện vay vốn như chính sách về bảo đảm tiền vay, phí dịch vụ, chuyển tiền… sẽ được ưu đãi hơn nữa.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú (bìa phải) và bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank lắng nghe những đề xuất kiến nghị của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính. Ảnh: MINH HÙNG
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, qua tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của DN, HTX và hộ nông dân, cho thấy nhu cầu bổ sung nguồn vốn, kể cả vốn lưu động và vốn đầu tư trung và dài hạn cho thành phần tham gia chuỗi liên kết Đề án là rất cần thiết. Chính sách ưu đãi tín dụng mà Agribank được giao làm thí điểm đầu tiên là chính sách rất tích cực đối với các thành phần tham gia đề án. Khi đó cơ hội giảm lãi suất cho vay, giảm giá thành sản phẩm và thu hút sự liên kết chặt chẽ với nhau. Các bên liên quan muốn được hưởng chính sách phải liên kết chặt chẽ trong chuỗi. Agribank cùng các ngân hàng thương mại rất sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn. Để các DN tham gia chuỗi có điều kiện mở rộng sản xuất, năng lực chế biến, xuất khẩu gạo có thể có sự đồng hành của một ngân hàng hoặc có nhiều ngân hàng đồng tài trợ. Ngay cả nông hộ cũng có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn để mở rộng diện tích trồng lúa, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp…
Ông Đào Minh Tú, nhấn mạnh: Đến nay đã 1 năm sau khi đề án triển khai thực hiện, đặc biệt tháng 10 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN tích cực xây dựng cơ chế, chính sách cho các ngân hàng thương mại để thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho đề án 1 triệu héc-ta lúa này. NHNN đã ban hành rất đầy đủ và kịp thời các văn bản hướng dẫn đến các tổ chức tín dung. Đặc biệt là Agribank được giao thí điểm đã ban hành tất cả những văn bản hướng dẫn, tập huấn cho các chi nhánh trên địa bàn 12 tỉnh, thành ĐBSCL triển khai. Trong giai đoạn sắp tới, khi mở rộng đề án, các ngân hàng thương mại phải cùng tham gia để hỗ trợ cho các DN, HTX và nông dân. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự chủ động, tích cực của ngân hàng để hỗ trợ kịp thời cho các DN, HTX, nông dân nguồn lực về vốn để triển khai ngay dự án từ khi thí điểm đến khi nhân rộng theo mục tiêu đề ra của đề án.
MINH HUYỀN