24/09/2014 - 20:55

Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư

Những năm qua, TP Cần Thơ không ngừng nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại – du lịch (XTĐT-TM-DL) và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn những khó khăn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của thành phố trung tâm vùng. Các dự án đầu tư tại TP Cần Thơ phần lớn có vốn đầu tư thấp, quy mô nhỏ, thiếu những dự án đóng vai trò động lực. Làm gì để nâng cao hiệu quả công tác XTĐT- TM-DL trong năm 2015? Đó là vấn đề được các ngành, các cấp của thành phố quan tâm tìm giải pháp phối hợp thực hiện.

* Bám sát mục tiêu

Trung tâm XTĐT-TM-DL TP Cần Thơ và Công ty Hội chợ tỉnh Đông Flanders (Vương Quốc Bỉ)ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. 

Năm 2015, kinh tế trong nước dự báo trên đà hồi phục với mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Các ngành dịch vụ tiếp tục được chú trọng phát triển. Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN mang lại những cơ hội và thách thức đan xen. Mặc dù vậy, dự báo kinh tế thế giới chung và thị trường hàng hóa sẽ có thể tiếp tục chịu sự tác động từ các cuộc khủng hoảng chính trị. Năm 2015 cũng là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015). TP Cần Thơ đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa, môi trường đầu tư.

Theo dự thảo Kế hoạch XTĐT-TM- DL năm 2015 của Trung tâm XTĐT-TM - DL TP Cần Thơ, mục tiêu tập trung mời gọi đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, chế biến nông, thủy sản… Chú trọng vào các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc trong các lĩnh vực điện, điện tử, sản xuất cơ khí, năng lượng, công nghiệp nặng và thiết bị công nghiệp, chế biến nông thủy sản… Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố; đối tác, thúc đẩy cơ hội giao thương; duy trì và mạng lưới phân phối, mở rộng hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm giữ vững các thị trường truyền thống chính như: Hoa Kỳ, các nước khối EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; đồng thời tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng và thị trường mới tiềm năng; tổ chức các hội chợ, đoàn doanh nghiệp giao thương nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam sang các nước có chung biên giới (Lào, Campuchia…). Công tác xúc tiến nội địa tập trung vào việc tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước, như: tổ chức hội chợ triển lãm; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy mạnh giới thiệu các điểm đến, dịch vụ du lịch, hình ảnh địa phương, đặc sản, sản phẩm lưu niệm, di sản văn hóa, lịch sử và tính cách của con người Cần Thơ ra thị trường nội địa và quốc tế. Chú trọng tổ chức một số sự kiện nổi bật liên quan đến thế mạnh của thành phố; hỗ trợ các chủ hộ, nhà vườn kinh doanh du lịch, hợp tác xã, làng nghề quảng bá bằng nhiều hình thức. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến mở thêm các đường bay nhằm kết nối du lịch giữa các vùng miền và quốc tế…

* Phát huy điểm mạnh

Phải nhìn nhận rằng, những năm qua, nhờ các hoạt động xúc tiến, đầu tư nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến và hợp tác với TP Cần Thơ nhiều hơn. Tuy nhiên, so với 4 thành phố trực thuộc trung ương (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng), khả năng thu hút vốn từ dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP Cần Thơ còn thấp. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, TP Cần Thơ có 59 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 917.988.922 USD. Ngoại trừ một số ít dự án lớn, nhìn chung tỷ lệ các dự án FDI và dự án đầu tư trong nước hầu hết qui mô nhỏ, vốn đầu tư thấp, thiếu những dự án mang tính động lực, hàm lượng chất xám công nghệ trong các sản phẩm được các doanh nghiệp đầu tư chưa nhiều; chưa có các dự án chế biến sâu, công nghệ hiện đại để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm. Hạn chế lớn nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập hệ thống văn bản pháp luật, thu hút đầu tư còn nhiều chồng chéo, chưa được hướng dẫn đầy đủ, kịp thời…

Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ tại thành phố còn kém phát triển, thiếu lao động kỹ thuật tay nghề cao, năng lực tài chính có hạn, hoạt động manh mún, rời rạc, thiếu sự liên kết do đó chủng loại sản phẩm còn ít, giá trị gia tăng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI. Công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Danh mục dự án mời gọi đầu tư phần lớn chỉ trên ý tưởng, chưa thật sự sẵn sàng để đáp ứng mọi yêu cầu, thắc mắc, thông tin cho các đối tác, các nhà đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố chưa tập trung, còn dàn trải và chồng chéo, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và với các địa phương trong khu vực… nên còn hạn chế, các thông tin cung cấp cho nhà đầu tư khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư TP Cần Thơ chưa đầy đủ và nhất quán. Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến của địa phương còn khiêm tốn nên các hoạt động chưa phong phú và chuyên sâu, chưa có những chiến lược qui hoạch thu hút đầu tư, thương mại, du lịch theo ngành nghề, lĩnh vực cụ thể mang tầm nhìn dài hạn.

Đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Để xây dựng kế hoạch công tác XTĐT-TM-DL 2015 trước tiên cần phải ghi nhận ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp để từ đó có được kế hoạch công tác xúc tiến phù hợp. Đồng thời nên có những đánh giá sơ bộ kết quả hoạt động XTĐT-TM-DL năm 2014 và những năm trước để tìm ra điểm mạnh cần phát huy trong năm 2015. Đặc biệt, cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng du lịch để từ đó tạo động lực cho các hoạt động xúc tiến. Đối với xúc tiến thương mại, hoạt động xuất khẩu cần xác định mặt hàng trọng điểm, thị trường trọng điểm; với thị trường nội địa cần hỗ trợ tạo lập kênh phân phối đối với một mặt hàng hoặc một nhóm hàng cụ thể của thành phố và tiếp tục thực hiện chương trình vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đối với xúc tiến du lịch, cần phải liên kết với các hãng hàng không, đường sắt, cơ sở lưu trú để cung ứng các ấn phẩm du lịch giới thiệu về các điểm đến du lịch của thành phố; đồng thời khảo sát mở các tour, tuyến du lịch mới và tạo sự khác biệt và chú ý công tác đào tạo nhằm nâng cao nguồn nhân lực. Cần liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xúc tiến đầu tư.

Đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Để công tác xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả cao cần phải củng cố danh mục kêu gọi đầu tư của thành phố. Các chính sách thu hút đầu tư của thành phố cần phải rõ ràng, đi vào trọng tâm; đặc biệt đầu tư tại hạ tầng khu công nghiệp; tìm kiếm nhà đầu tư lĩnh vực cảng; tăng cường công tác cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch…

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết