19/03/2021 - 19:05

Mỹ-Trung “khẩu chiến” tại Alaska 

Màn chỉ trích nảy lửa giữa đại diện ngoại giao Mỹ và Trung Quốc ngay tại buổi làm việc đầu tiên trong khuôn khổ cuộc gặp 2+2 phản ánh rõ bất đồng sâu sắc khó hóa giải giữa hai đối thủ cạnh tranh chiến lược.

Quan chức Mỹ - Trung trong cuộc gặp hôm 18-3.

Quan chức Mỹ - Trung trong cuộc gặp hôm 18-3.

Ngay từ lúc bắt đầu, phái đoàn hai nước đã tranh cãi về thời điểm truyền thông phải ra khỏi phòng họp để bảo đảm tính chất riêng tư. Sau cuộc trao đổi, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ chỉ trích Trung Quốc vi phạm thời hạn hai phút phát biểu cho mỗi bên như thỏa thuận. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ý đồ của Bắc Kinh là tập trung vào hình ảnh trước công chúng và những tuyên bố cường điệu hơn là thực chất cuộc họp.

Mỹ cùng đồng minh quyết đẩy lùi "chủ nghĩa độc đoán"

Tham dự đối thoại về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, trong khi Trung Quốc cử Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị. Ðây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ và diễn ra ngay sau chuyến thăm của ông Blinken tới hai nước đồng minh Nhật Bản cùng Hàn Quốc. Trước khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden bị phe Cộng hòa công kích vì lo ngại chính quyền mới nhượng bộ Trung Quốc. Nhưng vài tuần trở lại đây, một số thành viên cấp cao đảng Cộng hòa tạm hài lòng với cách tiếp cận của Nhà Trắng theo hướng khôi phục quan hệ đồng minh để đối phó cường quốc châu Á.

Và tại cuộc gặp hôm 18-3, Ngoại trưởng Blinken mở màn với khẳng định sự trở lại của Mỹ đang được nhiều quốc gia hoan nghênh, trái với quan ngại ngày càng tăng về hành vi của Trung Quốc. Trong hai ngày làm việc, ông Blinken cho biết Washington sẽ thẳng thắn trình bày mối quan tâm về hành động của Bắc Kinh trong các vấn đề liên quan Tân Cương, Hong Kong, Ðài Loan, các cuộc tấn công nhắm vào hạ tầng mạng ở Mỹ cũng như việc cưỡng ép kinh tế các đồng minh. Khẳng định mỗi hành động của Bắc Kinh đều đe dọa trật tự dựa trên quy tắc vốn duy trì ổn định toàn cầu, đại diện ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền Biden cam kết đứng cùng mặt trận với các đồng minh để đẩy lùi "chủ nghĩa độc đoán" cũng như thái độ ngày càng rắn của Trung Quốc.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Sullivan nhấn mạnh Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Nhưng Washington sẵn sàng cạnh tranh bảo vệ các nguyên tắc vì lợi ích bản thân cũng như các đối tác khi Trung Quốc đánh vào "các giá trị cơ bản". Dù vậy, chính quyền Biden để ngỏ khả năng hợp tác với nước này nhằm giải quyết một số vấn đề như đại dịch COVID-19 hay biến đổi khí hậu. Ðặc biệt, quan chức Nhà Trắng hy vọng Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng để thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Bắc Kinh chê Washington không xứng là cường quốc

Ðáp lại, ông Dương Khiết Trì bác bỏ những cáo buộc "không có cơ sở" từ Washington đồng thời chỉ trích chính sách kinh tế - thương mại Mỹ đang áp dụng cùng cái gọi là nền dân chủ "chật vật" và "sự ngược đãi" người thiểu số ở xứ cờ hoa. "Mỹ đang dùng sức mạnh quân sự và quyền bá chủ tài chính để đàn áp những quốc gia khác; lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia để cản trở giao thương, kích động nước khác tấn công Trung Quốc" - ông Dương tố cáo. Quan chức này còn cáo buộc Washington "đạo đức giả", thậm chí "không đủ tư cách" để nói chuyện với Trung Quốc trên vị thế một cường quốc. Theo ông, Mỹ nên giải quyết tốt vấn đề của mình thay vì can thiệp công việc nội bộ của Bắc Kinh. Tuyên bố "không có cách nào bóp nghẹt Trung Quốc", ông Dương đồng thời chất vấn Ngoại trưởng Blinken về việc các lệnh trừng phạt công bố trước cuộc họp là có chủ đích hay không. Ðược biết trước đối thoại, chính quyền Biden đã có loạt động thái nhắm vào Trung Quốc như bắt đầu thu hồi giấy phép của một số công ty viễn thông đại lục, gửi trát hầu tòa đối với nhiều công ty công nghệ vì "lo ngại an ninh quốc gia" và cập nhật các biện pháp trừng phạt Trung Quốc liên quan tình hình dân chủ Hong Kong.

Theo giới phân tích, cuộc gặp ở bang Alaska là phép thử mới trong mối quan hệ Mỹ - Trung vốn rắc rối và ngày càng rạn nứt. Theo nghị sĩ cấp cao đảng Cộng hòa tại Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Michael McCaul, tuyên bố của phái đoàn Trung Quốc cho thấy họ không có kế hoạch thay đổi quan điểm và đây là lời cảnh tỉnh đối với Tổng thống Biden. Hiện chính quyền Biden vẫn đang sử dụng những "đòn bẩy" từ người tiền nhiệm Donald Trump trong đàm phán với Trung Quốc. Nhưng vì quá trì hoãn chưa đưa ra chính sách rõ ràng nên đến nay họ không tranh thủ được gì, theo Giáo sư về chính sách đối ngoại Aaron Frieberg tại Ðại học Princeton (Mỹ). Trong khi đó, chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết còn quá sớm để kết luận nhưng chắc chắn không bên nào được lợi nếu Mỹ - Trung tiếp tục cáo buộc lẫn nhau.

Tổng thống Nga sẵn sàng đối thoại trực tuyến với ông Biden

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18-3 tuyên bố sẵn sàng tổ chức đối thoại trực tuyến công khai với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Theo Tổng thống Putin, ông sẽ chỉ thị cho Bộ Ngoại giao xúc tiến chuẩn bị cho cuộc đối thoại. 

Trong khi đó, trước câu hỏi của các phóng viên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phản hồi rằng thảo luận giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Putin khó có thể diễn ra và nhà lãnh đạo Mỹ có lịch trình đến Georgia ngày 19-3.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Mát-xcơ-va sẽ không có những động thái nhằm làm xấu đi quan hệ với Washington sau khi ông Biden đưa ra những chỉ trích gay gắt về Tổng thống Putin.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết