02/08/2017 - 20:43

Mỹ tính chuyện trừng phạt Trung Quốc

Một số nguồn tin ngày 2-8 cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đến gần quyết định trừng phạt các hành vi thương mại bất bình đẳng của Trung Quốc trong vấn đề ăn cắp bản quyền, bằng sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác từ các công ty Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Viết trên mục bình luận của Wall Street Journal, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh: “Chính quyền Trump tin vào thương mại tự do và công bằng, và sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có chống lại chủ nghĩa bảo hộ của những ai đã cam kết tuân thủ thương mại tự do nhưng vi phạm các nguyên tắc cốt lõi đó”.

Ông Ross cho rằng không chỉ Trung Quốc mà cả châu Âu cũng bảo hộ mậu dịch.

“Cả Trung Quốc và châu Âu đều hỗ trợ cho xuất khẩu thông qua trợ cấp vốn vay ưu đãi, năng lượng, hoàn thuế giá trị gia tăng đặc biệt, bán bất động sản giá rẻ và các hình thức khác, đồng thời dựng các hàng rào thương mại thuế và phi thuế quan một cách khủng khiếp” – ông Ross nhận định.

Theo ông Ross, Trung Quốc và châu Âu là hai tác nhân chính làm thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ năm 2016 lên tới 725,5 tỉ USD, trong đó có 347 tỉ USD với Trung Quốc.

 Riêng với Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nêu rõ: “Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường. Chính phủ Trung Quốc đang tạo ra những nhà vô địch quốc gia và thực hiện những hành động làm méo mó đáng kể thị trường”.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, chính quyền Trump có quyền tiến hành điều tra, rồi đơn phương tăng thuế hoặc áp đặt trừng phạt các hành động thương mại bất bình đẳng của các  nước khác chỉ trong vài tháng theo mục 301, Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974.

Bên cạnh trừng phạt thương mại, chính quyền Trump còn xem xét cách thức ngăn chặn doanh nghiệp Mỹ chia sẻ công nghệ tiên tiến theo yêu cầu của Trung Quốc, giữa lúc Bắc Kinh đang tham vọng trở thành thủ lĩnh các  ngành công nghiệp tương lai như vận tải tự hành, trí tuệ nhân tạo, robot trong chương trình chiến lược “Made in China” vào năm 2025.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết