22/12/2022 - 07:31

Mỹ thị uy sức mạnh sau cảnh báo của Triều Tiên 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, VOA)

Mỹ ngày 20-12 đã đưa các máy bay ném bom chiến lược B-52 và chiến đấu cơ tàng hình F-22 tập trận chung với các tiêm kích F-35 và F15 của Hàn Quốc sau khi bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chỉ trích những hoài nghi về năng lực của quân đội Triều Tiên, đồng thời dọa sẽ phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) theo quỹ đạo mang tính khiêu khích hơn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và con gái thị sát tên lửa Hwasong-17. Ảnh: KCNA

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và con gái thị sát tên lửa Hwasong-17. Ảnh: KCNA

Cuộc tập trận chung, được tổ chức ở gần đảo Jeju, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2018 Mỹ điều động F-22 tham gia một sự kiện quân sự tại Hàn Quốc. Màn thị uy sức mạnh diễn ra sau khi Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành một cuộc thử nghiệm “giai đoạn cuối, quan trọng” nhằm phát triển vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này. Người phát ngôn Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên mô tả vụ thử nghiệm là “bước cuối cùng để phóng vệ tinh do thám”, dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2023.

Hôm 20-12, bà Kim Yo-jong đã lên tiếng chỉ trích những nghi ngờ đối với chương trình phát triển vệ tinh do thám cũng như tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Trước đó, một số chuyên gia Hàn Quốc chê chất lượng ảnh chụp từ vệ tinh quá thấp. Bà Kim Yo-jong cũng bác bỏ nhận định của Chính phủ Hàn Quốc nói Triều Tiên còn phải vượt qua nhiều trở ngại công nghệ lớn để vận hành các ICBM có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, chẳng hạn như khả năng bảo vệ đầu đạn trước những điều kiện khắc nghiệt trong quá trình tái nhập khí quyển.

Theo Hãng tin Yonhap, cả 8 vụ thử ICBM của Triều Tiên trong năm nay đều được thực hiện ở góc thẳng đứng để tránh các nước láng giềng. Một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng không thực hiện được vụ phóng ICBM theo quỹ đạo tiêu chuẩn vòng cung thì không thể đảm bảo độ tin cậy của các vũ khí. Đáp lại, bà Kim Yo-jong nhấn mạnh Triều Tiên có thể sẽ phóng một ICBM theo quỹ đạo thông thường, vụ phóng được xem là mang tính khiêu khích lớn hơn nhiều đối với Mỹ bởi tên lửa sẽ bay về phía Thái Bình Dương, tương tự cuộc tấn công thật.

Cảnh báo của bà Kim Yo-jong đưa ra chỉ 5 ngày sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, giúp phát triển “một hệ thống vũ khí chiến lược loại mới”. “Vụ thử nghiệm này nhiều khả năng là bước đi lớn hướng tới mục tiêu sở hữu một ICBM nhiên liệu rắn. Triều Tiên đang mở rộng việc sử dụng động cơ nhiên liệu rắn cho lực lượng tên lửa và chỉ là vấn đề thời gian trước khi chúng ta chứng kiến Bình Nhưỡng áp dụng công nghệ này vào các tên lửa tầm xa”, Ian Williams, Phó Giám đốc Dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

Đòn phủ đầu

Do nhiên liệu rắn có thể được nạp vào tên lửa từ lâu trước khi khai hỏa, nên việc sử dụng loại nhiên liệu này tiết kiệm thời gian chuẩn bị (ngắn hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng) và giúp vũ khí ít bị tổn thương trước các cuộc tấn công phủ đầu trong lúc vẫn còn nằm trên bệ phóng. Thế nên, việc phá hủy tên lửa nhiên liệu rắn sẽ là thách thức lớn.

ICBM Hwasong-17 mà Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công hồi tháng 11, có thể đạt tầm bắn lên tới 15.000km, dư sức bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Nếu động cơ nhiên liệu rắn được lắp cho tên lửa Hwasong-17, nó có thể trở thành vũ khí rất đáng sợ. Theo Tiến sĩ Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ), vì Triều Tiên chuyển sang ICBM sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn, lực lượng hạt nhân của nước này sẽ khó bị nhắm hơn và khả năng sống sót cũng cao hơn.

Qua đó, các chuyên gia đề nghị Mỹ nên tăng cường khả năng đánh chặn ICBM nhiên liệu rắn sau khi nó được khai hỏa bởi việc nỗ lực tấn công phủ đầu vũ khí này đang ngày càng gian nan. Nhiệm vụ này đặc biệt khó khăn nếu đối phương bắn nhiều tên lửa cùng lúc. Theo đó, Mỹ cần phát triển, thử nghiệm và triển khai những công cụ đánh chặn khác ngoài những hệ thống đánh chặn trên mặt đất còn nhiều hạn chế.

Chia sẻ bài viết