17/12/2021 - 21:46

Mỹ tăng cường trừng phạt Trung Quốc 

Trong động thái mới nhất gây sức ép lên Bắc Kinh liên quan nhân quyền, Chính phủ Mỹ hôm 16-12 cho công bố loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào tổ chức, công ty Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, công nghệ và sinh học.

 Ảnh: Getty Images

Trung Quốc bị cáo buộc giam gần 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại cải huấn ở Tân Cương từ năm 2016, tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này, khẳng định đây là trung tâm đào tạo nghề để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.

Tuy nhiên, Mỹ coi hành động này là “tội ác diệt chủng”, gần đây còn tuyên bố không cử quan chức tới dự Olympic mùa đông 2022 và Paralympic Bắc Kinh để phản đối. Bộ Tài chính còn đưa quyền Chủ tịch Tân Cương và cựu lãnh đạo khu tự trị này cùng công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime Group vào danh sách trừng phạt với cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Hôm 8-12, các nhà lập pháp ở Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật lưỡng đảng “Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ”, trong đó cấm nhập khẩu toàn bộ sản phẩm từ Tân Cương trừ khi các công ty có thể chứng minh chúng không được tạo ra từ lao động cưỡng bức. Hôm 16-12, Thượng viện cũng nhất trí với phiên bản cuối cùng của dự luật trên. Hiện chưa rõ khi nào Tổng thống Joe Biden ký thành luật, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết nhà lãnh đạo Mỹ “ủng hộ và cam kết hợp tác chặt chẽ” với Quốc hội để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm.

Cùng ngày, Bộ Tài chính thông báo áp lệnh hạn chế đầu tư đối với hãng sản xuất máy bay không người lái DJI và 7 công ty đại lục chuyên phát triển phần mềm nhận dạng khuôn mặt, điện toán đám mây, máy bay không người lái, công nghệ GPS cùng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo khác do vai trò của họ trong việc tạo điều kiện cho hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh. Phối hợp động thái trên, Bộ Thương mại thêm vào “danh sách đen” 12 viện nghiên cứu do Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc đứng đầu cùng 22 công ty công nghệ. Trong danh sách trước đó đã có hơn 260 doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm tập đoàn Huawei.

Bộ Thương mại cho biết, mục tiêu lệnh trừng phạt là giải quyết các “mối đe dọa” mà Bắc Kinh đặt ra đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Cơ quan này đặc biệt cảnh báo, các thực thể nói trên đang hoạt động như một phần trong chiến lược rộng lớn của Chính phủ Trung Quốc “vũ khí hóa” công nghệ sinh học sử dụng trong và ngoài nước. Theo đó, Bắc Kinh bị tố phát triển và triển khai “vũ khí điều khiển não có mục đích” cũng như “thay đổi thông tin di truyền theo dân tộc”. “Chúng tôi không thể cho phép việc hàng hóa, công nghệ và phần mềm của Mỹ vốn để hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học, bị lạm dụng cho các mục đích đi ngược với an ninh quốc gia” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (ảnh) cho biết.

Ðáp trả, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích “kế hoạch đàn áp” của Washington và kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden ngừng “lạm dụng quyền lực” cũng như “chính trị hóa” lĩnh vực công nghệ, kinh tế dựa trên khái niệm an ninh quốc gia. Trước đó, Trung Quốc cũng nổi giận trước “sai lầm” của Mỹ khi đưa một số công ty hóa chất nước này vào danh sách trừng phạt chung với các băng nhóm tội phạm ở Brazil, Mexico và Colombia chuyên buôn bán những thành phần của thuốc fentanyl (thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid). Phía Mỹ cho biết Trung Quốc là nguồn cung chính fentanyl và các chất hóa học được sử dụng để sản xuất cả thuốc fentanyl cũng như các loại ma túy tổng hợp.

MAI QUYÊN (Theo AP, CNN)

Chia sẻ bài viết