03/11/2018 - 17:14

Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2-11 đã nối lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được ký kết giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Song, có 8 quốc gia được miễn trừ, có thể tạm thời tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran.

Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Ảnh: AP

AP cho biết, các lệnh trừng phạt trên sẽ có hiệu lực vào ngày mai (5-11), được áp đặt lên lĩnh vực vận tải biển, tài chính và năng lượng của Tehran. Đây là gói thứ 2 trong số các biện pháp trừng phạt được áp dụng kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5. Theo các lệnh trừng phạt này, những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran cũng như các công ty nước ngoài làm ăn với các công ty của Iran bị liệt vào danh sách đen sẽ bị xử phạt, trong đó có ngân hàng trung ương nước này, một số công ty tài chính tư nhân, các công ty vận tải biển nhà nước cũng như hàng trăm quan chức Iran. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) cũng có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu cung cấp dịch vụ cho các cơ sở tài chính Iran bị liệt vào danh sách đen.

Trong một tuyên bố tối 2-11, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là buộc Iran đưa ra một lựa chọn rõ ràng: hoặc là từ bỏ hành vi phá hoại của họ hoặc là tiếp tục đi theo con đường dẫn đến thảm họa kinh tế”. Trong khi đó, phát biểu với AP, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng các biện pháp trừng phạt nói trên “nhằm mục đích thay đổi cơ bản hành vi của Iran”. Nhà ngoại giao xứ cờ hoa đã đưa ra một danh sách gồm 12 yêu cầu mà phía Iran phải đáp ứng để có thể được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, gồm việc chấm dứt hoạt động tài trợ cho khủng bố, can thiệp quân sự ở Syria cũng như tạm dừng hoàn toàn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Ông Pompeo cho biết có 8 quốc gia sẽ được miễn trừ, được phép tạm thời tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Iran trước khi họ hoàn toàn ngưng nhập khẩu dầu từ Iran, trong đó có thể gồm các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc miễn trừ có  giá trị trong vòng 6 tháng. Trong thời gian này, nước nhập khẩu có thể mua dầu của Iran nhưng phải gửi khoản tiền mua dầu vào một tài khoản ký quỹ. Tehran có thể sử dụng số tiền này nhưng chỉ để mua các mặt hàng nhân đạo.

Theo AP, Israel, quốc gia xem Iran là một mối đe dọa hiện hữu đồng thời là nơi lên tiếng phản đối thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hoan nghênh quyết định trên của Mỹ. “Xin cảm ơn ngài Tổng thống vì đã cho khôi phục các biện pháp trừng phạt chế độ Iran vốn luôn mong muốn phá hủy đất nước chúng tôi” - Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer viết trên trang cá nhân Twitter. Song, cả Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đều mạnh mẽ lên án động thái này của Washington. Hiện EU đang tạo ra một cơ chế đặc biệt có thể phá vỡ các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ đối với Iran. Còn trong một tuyên bố hôm 2-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi khẳng định Mỹ sẽ không thể thực hiện bất cứ biện pháp nào chống lại Iran. Ông Qasemi nhấn mạnh, Tehran có sự hiểu biết và khả năng để quản lý các vấn đề kinh tế của nước này, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chủ yếu gây “tác động tâm lý”.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết