21/06/2018 - 07:10

Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ 

Trong tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hôm 19-6 cáo buộc cơ quan gồm 47 thành viên này “thiếu cải cách” và “luôn thiên vị” chống lại Israel.

Đại sứ Mỹ Haley và Ngoại trưởng Pompeo tại cuộc họp báo. Ảnh: NBC News
Đại sứ Mỹ Haley và Ngoại trưởng Pompeo tại cuộc họp báo. Ảnh: NBC News

Phát biểu tại cuộc họp báo bên cạnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đại sứ Haley cáo buộc Nga, Trung Quốc, Ai Cập và Cuba “ngăn cản” nỗ lực của Mỹ nhằm cải tổ hội đồng. Bà Haley cũng chỉ trích những quốc gia tuy chia sẻ các giá trị với Mỹ, thậm chí kêu gọi Washington ở lại nhưng không sẵn sàng thay đổi cơ chế hiện nay một cách nghiêm túc. Đại sứ Mỹ còn lên án UNHRC “đạo đức giả” và rằng chính sách trọng tâm thiếu cân đối kèm thái độ cô lập, thù địch kéo dài đối với Israel là bằng chứng rõ ràng cho thấy hội đồng bị thúc đẩy bởi “sự thiên vị chính trị thay vì nhân quyền”. Dù rút khỏi UNHRC, bà Haley nói rõ động thái này không có nghĩa Washington xa rời các cam kết nhân quyền của mình.

Trong một tuyên bố ngắn gọn, Ngoại trưởng Pompeo đã gọi UNHRC là “trở ngại” đối với tiến trình nhân quyền và làm suy yếu lợi ích của Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh. Đây là lần đầu tiên một thành viên tự nguyện rời khỏi kể từ khi UNHRC thành lập vào năm 2006. Thời điểm này, chính quyền Tổng thống Mỹ George W Bush đã từ chối gia nhập khi cho rằng UNHRC kết nạp một số quốc gia thành viên có hồ sơ nhân quyền đáng nghi ngờ. Washington chính thức tham gia vào năm 2009 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, sau đó được bầu vào hội đồng hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 2016, Mỹ được bầu lại cho nhiệm kỳ 3. Theo Reuters, nghị quyết của UNHRC tuy không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng mang thẩm quyền đạo đức.

Mỹ hiện đã đi được nửa chặng đường nhiệm kỳ 3 nhưng từng nhiều lần cảnh báo sẽ rút khỏi nếu cơ quan này không cải tổ. Cách đây một năm, đại sứ Haley lặp lại thông điệp, rằng Washington đang xét lại vai trò thành viên của mình và kêu gọi cải cách. Trong số những thay đổi mà Mỹ đang tìm kiếm là đơn giản hóa thủ tục khai trừ nếu các thành viên bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền. Ngoài ra, Washington cũng kêu gọi loại bỏ “sự thiên vị trường kỳ chống Israel”. Được biết, UNHRC có một nội dung thường trực trong nghị trình về những vi phạm nhân quyền của Israel trên vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ý định của Washington là loại bỏ mục này.

  Thêm quan chức cấp cao Mỹ từ chức

​Hôm 19-6, Reuters dẫn các nguồn tin chính phủ cho biết Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin sẽ từ chức vào ngày 6-7. Được biết, ông Hagin là người đứng đầu nhóm tiền trạm của Mỹ chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh vừa qua giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Sự ra đi của ông Hagin “giúp” chính quyền Trump lập tiếp “kỷ lục” về số lượng nhân viên từ chức hoặc bị sa thải. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 60% quan chức cấp cao được bổ nhiệm vào thời điểm ông Trump nhậm chức đã rời khỏi chính quyền.

Nhưng tuần rồi, các nhà hoạt động và ngoại giao cho biết quá trình đàm phán về cải tổ hội đồng không đáp ứng đòi hỏi của Washington, báo hiệu sự rút lui của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Đây cũng là động thái mới nhất của Washington từ bỏ các cam kết đa phương sau khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. Quyết định này được công bố giữa lúc Nhà Trắng đang đứng trước làn sóng chỉ trích gay gắt về chính sách “không khoan nhượng” – chia tách trẻ em và cha mẹ của những gia đình nhập cư bất hợp pháp.

Trong một tuyên bố, Cao ủy LHQ về Nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein cho biết rất thất vọng trước quyết định của Mỹ. Theo ông al-Hussein, nếu Washington bức xúc trước thực trạng nhân quyền hiện nay thì họ nên tiếp tục đẩy mạnh các chính sách thay vì từ bỏ. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson bày tỏ lấy làm tiếc trước chủ trương rời khỏi UNHRC của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Anh vẫn kiên định ủng hộ các cam kết với hội đồng.

Động thái của chính quyền Trump ngay lập tức vấp phải phản ứng từ các nhóm nhân quyền khi cho rằng Mỹ không ưu tiên quyền con người trong chính sách đối ngoại. Một số nhà phân tích dự đoán, diễn biến này có thể gởi đi thông điệp rằng Washington có thể “nhắm mắt làm ngơ” trước các vụ lạm dụng nhân quyền trên thế giới, dấy lên bất an giữa các đồng minh vốn tin tưởng vào vai trò của Mỹ. Trong khi đó, Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức nhân quyền của người Do Thái, hoan nghênh động thái của Mỹ và kêu gọi các nước khác có quyết định tương tự. Viết trên Twitter, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi việc Mỹ rời khỏi cơ quan “đầy định kiến” như UNHRC là tuyên bố rõ ràng rằng “mọi thứ đã quá đủ”.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết