01/09/2020 - 21:40

Mỹ muốn lập “NATO Thái Bình Dương” 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun ngày 31-8 khẳng định Washington muốn chính thức hóa quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ với các nước thuộc “Bộ tứ kim cương”tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thành một liên minh quân sự tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Biegun. Ảnh: AP

 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Biegun. Ảnh: AP

Phát biểu bên lề Diễn đàn Ðối tác chiến lược Mỹ - Ấn Ðộ, ông Biegun cho rằng mục tiêu của Washington là để “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Ấn Ðộ, Nhật Bản cùng với Úc) và những quốc gia khác trong khu vực phối hợp cùng nhau nhằm đối phó với “thách thức tiềm tàng từ Trung Quốc”. “Khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đang thiếu một cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Họ không có một tổ chức vững chắc như NATO hoặc Liên minh châu Âu. Các tổ chức ở châu Á thường không có đủ sự bao hàm… chắc chắn có lúc sẽ cần thành lập một tổ chức như thế. Nên nhớ ngay cả NATO cũng từng khởi đầu với những kỳ vọng khá khiêm tốn và nhiều quốc gia đã chọn lập trường trung lập mà chưa tham gia” - nhà ngoại giao Mỹ giải thích. Tuy nhiên, ông Biegun lưu ý phiên bản “NATO Thái Bình Dương” sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác cũng có “mức độ cam kết như Mỹ”.

Vị này chỉ ra rằng việc Úc có thể sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar là một ví dụ về bước đi hướng tới thành lập một khối quốc phòng chính thức hơn. Ấn Ðộ “rõ ràng đang có ý định mời Úc tham gia tập trận Malabar. Ðây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương” - Thứ trưởng Biegen nhấn mạnh.

Nhật, Úc, Ấn hợp tác tăng cường chuỗi cung ứng

Ngày 1-9, các bộ trưởng kinh tế Nhật Bản, Úc và Ấn Ðộ đã tham dự một hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận việc hợp tác hướng tới xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.  

Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức cho biết việc Nhật Bản đóng góp công nghệ chế tạo của quốc gia Ðông Bắc Á này kết hợp cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Úc và chất xám của các chuyên gia công nghệ thông tin Ấn Ðộ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp và bảo vệ các doanh nghiệp tránh khỏi việc phải ngừng hoạt động do gián đoạn nguồn cung cũng như gián đoạn việc thu mua các linh phụ kiện. 

Cuộc tập trận Malabar, chủ yếu diễn ra ở Vịnh Bengal, do Mỹ và Ấn Ðộ tiến hành thường niên, trước khi có sự tham gia của Nhật Bản từ năm 2015. Còn “Bộ tứ kim cương” hay tên chính thức là Ðối thoại An ninh 4 bên được thành lập năm 2007 theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với mục đích kiềm chế Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh từ lâu đã không hài lòng với liên minh này.

Hiện nay, Mỹ còn muốn một số nước khác như Hàn Quốc và New Zealand gia nhập phiên bản mở rộng của “Bộ tứ kim cương”. Thật ra, các nước này gần đây cũng đã được mời đối thoại với “Bộ tứ kim cương” hướng tới thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, bao gồm mục tiêu dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ kỳ vọng bằng cách tạo ra một khối cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, ý tưởng của Washington sẽ “thu hút nhiều quốc gia hơn ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới liên kết theo một cách thức có cấu trúc hơn”. Ông thừa nhận sáng kiến ​​này một phần để đáp trả “mối đe dọa” kinh tế và chính trị từ Bắc Kinh, song cũng nói rõ chiến lược của Mỹ là đối đầu với Trung Quốc.

Phát biểu trên được đưa ra vài ngày sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien gọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Ðông là “nực cười”. Khi đó, ông O’Brien còn tiết lộ về các cuộc gặp cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và những người đồng cấp thuộc “Bộ tứ kim cương” vào tháng 9 và 10 này.

Bên cạnh bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Biegun, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng nhấn mạnh về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương kết nối chặt chẽ hơn, gồm các nước đồng tâm hành động cùng nhau. Các chuyến công du mới đây của ông Esper đến khu vực được cho nhằm thúc đẩy khái niệm này. NATO có 30 thành viên cùng phòng thủ, trong khi Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương không có tổ chức tương tự, dù Mỹ có hàng loạt mối quan hệ liên minh và đối tác.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, Reuters)

Chia sẻ bài viết