Quan điểm trước đây của Úc “không chọn phe” trong một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đang thay đổi, đặc biệt khi Washington tăng cường đáng kể hiện diện quân sự trên khắp quốc gia đồng minh ở Thái Bình Dương.
Chiến đấu cơ F-35A bay ngang qua khu căn cứ Tindal. Ảnh: ADF
Hoạt động của quân đội Mỹ tại Úc đang thu hút dư luận, nhất là vùng lãnh thổ phía Bắc. Kể từ năm 2012, khu vực này đã đón nhận các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ sau khi lãnh đạo 2 nước khi đó là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard ký thỏa thuận tăng cường diễn tập huấn luyện quân sự chung. Ðến nay, hàng tỉ USD đã được đầu tư cho Căn cứ Không quân Hoàng gia Tindal để tiếp nhận các máy bay chiến đấu.
“Đảo Guam tiếp theo” của Mỹ
Nhằm tăng cường hơn nữa khả năng hoạt động của lực lượng không quân tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, tờ Washington Post mới đây tiết lộ Úc và Mỹ đang lặng lẽ nâng cấp Tindal thành căn cứ đa năng, chủ yếu vận hành các oanh tạc cơ hạng nặng trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc. Trong nhiều hoạt động được ghi nhận, quan trọng nhất là báo cáo mở rộng công trình đường băng để tiếp nhận máy bay lớn hơn, chẳng hạn như máy bay tiếp nhiên liệu, chiến đấu cơ tàng hình F-35 hay máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa B-52 có khả năng tiếp cận Trung Quốc đại lục. Tin tức cho hay 2 boongke để lưu trữ đạn dược đã hoàn thành, trong khi 2 kho nhiên liệu lớn đáp ứng nhu cầu phi đội chiến đấu cơ của Không quân Mỹ và Không quân Hoàng gia Úc đang được xây dựng.
Nằm cách các điểm nóng trên Biển Ðông khoảng 3.200km, giá trị chiến lược của căn cứ Tindal nói riêng và khu vực phía Bắc nước Úc nói chung trở nên lớn hơn khi Washington muốn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ sự leo thang nào. Vì thế, căn cứ Tindal được ví “đảo Guam tiếp theo” của quân đội Mỹ. Những hoạt động như làm mới hoặc nâng cấp cũng được ghi nhận tại nhiều cơ sở quân sự mà Mỹ đã xây dựng và sử dụng trên khắp nước Úc từ hồi Chiến tranh Thế giới thứ 2, chẳng hạn như quân cảng Darwin.
Cách Tindal khoảng 300km và gần Philippines, cảng Darwin có vị trí quan trọng trong khuôn khổ chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương khi tiếp nhận các đợt luân chuyển của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ 6 tháng một lần kể từ năm 2012. Gần đây, Lầu Năm Góc cho xây dựng kho nhiên liệu mới phục vụ hoạt động của máy bay quân sự cánh lật đa nhiệm MV-22 Osprey và lên kế hoạch nâng cấp các bãi đỗ, giúp mở rộng phạm vi hoạt động của MV-22 Osprey tới Biển Ðông, Biển Philippines và Quần đảo Solomon.
Hiện Úc còn khảo sát để “gia cố” thêm 3 căn cứ ở các vùng xa xôi phía Tây và bang Queensland để tiếp nhận các máy bay hạng nặng có thể theo dõi hoạt động gia tăng của Hải quân Trung Quốc trong khu vực. Ðơn cử như trên Quần đảo Cocos, lãnh thổ bên ngoài của Úc ở phía Ðông Ấn Ðộ Dương và nằm ngay phía Nam Indonesia, chính quyền Thủ tướng Anthony Albanese sẽ sớm nâng cấp đường băng để tiếp nhận thêm các máy bay quân sự, bao gồm “thợ săn tàu ngầm” P-8A Poseidon.
Tăng cường răn đe Trung Quốc
Ðược biết, Lầu Năm Góc đang duy trì lực lượng đáng kể tại Căn cứ Không quân Andersen ở Guam trong khi Phi đoàn 18 tại Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa (Nhật Bản) là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Washington còn được quyền tiếp cận 9 căn cứ ở Philippines, có thể sử dụng trong một cuộc xung đột với Trung Quốc dựa trên Hiệp ước Phòng thủ chung. Phòng ngừa nguy cơ Trung Quốc phá hủy các cơ sở quân sự tiền tuyến và giành lợi thế trong kịch bản xung đột, Mỹ đang tiếp tục mở rộng sự hiện diện ra khắp Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và việc cải tạo những căn cứ cốt lõi nói trên ở Úc, trải dài hơn 4.000km từ Ðông sang Tây, hoàn toàn phù hợp với chiến lược mới này nhằm phân tán lực lượng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia Úc cho rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự không ngăn được xung đột với Trung Quốc nhưng lại tăng tỷ lệ kéo Canberra vào cuộc. “Nó gộp chung các chiến lược của Mỹ ở châu Á với mục tiêu của Úc và đưa những căn cứ đó vào tầm ngắm” - theo cựu chuyên gia phân tích tình báo Úc Sam Roggeveen. Người này cũng nghi ngờ liệu Washington có thực sự đang tăng cường năng lực của mình trong khu vực hay chỉ đơn thuần di chuyển tài sản quân sự ra khỏi những nơi đang bị đe dọa trực tiếp bởi Trung Quốc, chẳng hạn như đảo Guam.
Dù thế nào, những diễn biến trên cho thấy sự thay đổi lớn, trong đó Canberra và Washington phát triển quan hệ mật thiết hơn khi cả đồng minh đều cảnh giác trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Theo lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austin, sức mạnh của liên minh Mỹ - Úc là động lực giúp xây dựng “hòa bình, ổn định và răn đe lớn hơn trên khắp khu vực”. Cùng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles nói rằng quỹ đạo về một thế trận lực lượng ngày càng gia tăng của đồng minh là lợi ích quốc gia của Úc. Trong bối cảnh trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu đang bị thách thức, sự răn đe mà 2 bên đang hợp tác có thể giúp ngăn chặn xung đột trong tương lai và đảm bảo an ninh tập thể cho khu vực, ông Marles nói thêm.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)