Một quan chức quốc phòng Mỹ vừa tiết lộ nước này đã phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm HAWC hồi giữa tháng 3 nhưng giữ bí mật trong 2 tuần qua để tránh leo thang căng thẳng với Nga, đặc biệt khi chiến sự Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa siêu vượt âm HAWC. Ảnh: Reuters
Theo nguồn tin trên, tên lửa HAWC được phóng từ máy bay ném bom B-52 ở ngoài khơi vùng biển phía Tây nước Mỹ. Khi đó, động cơ đẩy đưa HAWC lên tới vận tốc cao trước khi động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm được kích hoạt và tiếp tục đẩy tên lửa bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5, tức khoảng 6.100km/h). Vũ khí được gọi là siêu vượt âm khi chúng di chuyển với vận tốc từ Mach 5 trở lên. Tên lửa Mỹ vừa thử nghiệm chỉ mất chưa tới 5 phút để hoàn thành quãng đường 482km.
Đây là vụ phóng thử HAWC thành công thứ hai và là vụ thử đầu tiên phiên bản tên lửa do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển. Vào tháng 9-2021, không lực Mỹ đã thử nghiệm tên lửa Raytheon HAWC, sử dụng động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm của Tập đoàn Northrop Grumman.
Mỹ quay lại phát triển tên lửa siêu vượt âm sau khi Nga và Trung Quốc thực hiện thành công các vụ phóng thử trong những tháng gần đây. Điều này càng khiến Washington lo ngại sẽ thua kém trong cuộc đua phát triển công nghệ quân sự được cho là cực kỳ quan trọng trong tương lai. Trong đề xuất ngân sách tài khóa 2023 công bố gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu khoản chi 7,2 tỉ USD để phát triển vũ khí tầm xa, bao gồm tên lửa siêu vượt âm. Trong báo cáo năm ngoái, Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) đã xác định 70 nỗ lực liên quan đến việc phát triển vũ khí siêu vượt âm, ước tính trị giá gần 15 tỉ USD trong giai đoạn 2015-2024.
Vụ thử nghiệm HAWC mới nhất diễn ra vài ngày sau khi Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bắn trúng một kho đạn dược ở phía Tây nước này. Giới chức Mỹ đánh giá thấp ý nghĩa của việc Nga sử dụng Kinzhal. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông không coi tên lửa siêu vượt âm Kinzhal là loại vũ khí “thay đổi cuộc chơi”.
Kinzhal được cho là một phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga. Nói cách khác, đây là biến thể công nghệ đi ngược lại cuộc cách mạng về vũ khí siêu vượt âm. Còn trong vụ phóng thử tên lửa HAWC mới đây, Mỹ đã thử nghiệm loại động cơ phản lực luồng tĩnh siêu âm phức tạp và khó khăn hơn. HAWC cũng không mang đầu đạn, thay vào đó là dựa vào động năng của chính tên lửa để phá hủy mục tiêu.
Washington thận trọng
Vụ bắn thử HAWC hồi tháng 3 được tiến hành trong bối cảnh Tổng thống Biden chuẩn bị thăm các nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu. Mỹ đã thận trọng không đưa ra những hành động hoặc tuyên bố có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Mát-xcơ-va. Mỹ tuần rồi đã một lần nữa quyết định hủy đợt phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III với tầm bắn 9.700km để tránh bất cứ sự hiểu sai nào từ phía Nga, sau khi thông báo hoãn phóng hồi đầu tháng 3 với lý do tương tự. Cụ thể, Không quân Mỹ ngày 2-3 đã tuyên bố lùi thời điểm thử Minuteman III, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu lực lượng hạt nhân chiến lược nước này chuyển sang trạng thái báo động cao.
Nhìn chung, Mỹ vẫn còn khá dè dặt về các vũ khí và thiết bị quân sự gửi cho Ukraine. Mãi tới gói viện trợ an ninh gần đây nhất dành cho Kiev, trị giá 300 triệu USD, Bộ Quốc phòng Mỹ mới liệt kê cụ thể các vũ khí, bao gồm máy bay không người lái (UAV) “cảm tử” Switchblade, hệ thống chống UAV, xe bọc thép, thiết bị nhìn ban đêm. Phía Mỹ cũng hoãn chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, do lo ngại Nga có thể diễn giải động thái này là hành động Washington và NATO nhảy vào cuộc xung đột.
HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)