 |
Gian hàng của Iran tại Triển lãm thương mại quốc tế Baghdad vừa qua. Ảnh: Nytimes |
Triển lãm thương mại quốc tế đầu tiên của Iraq kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ vừa kết thúc tại Thủ đô Baghdad. Theo hãng tin Anh Reuters, có gần 400 công ty quốc tế của 32 quốc gia tham dự, trong đó Iran đứng đầu với 60 công ty, kế đến là Thổ Nhĩ Kỳ 44 công ty, Pháp 40 công ty, Brazil 21 công ty. Tổng giám đốc Công ty triển lãm thương mại quốc gia Iraq Hashem Mohammed Haten cho biết Mỹ có 2 hay 3 công ty gì đó tham gia, nhưng ông không nhớ tên cụ thể. Tờ Thời báo New York đánh giá đây có thể là dấu hiệu cho thấy người Iraq không hoan nghênh hàng hóa Mỹ, cho dù nước này đã tiêu tốn khoảng 1.000 tỉ USD cho cuộc chiến ở đây cùng với các dự án tái thiết qui mô lớn nhằm giúp Iraq khôi phục nền kinh tế.
Giá trị nhập khẩu hàng hóa của Iraq năm 2008 đạt 43,5 tỉ USD, nhưng các công ty Mỹ chỉ chiếm 2 tỉ USD, so với 10 tỉ USD của Thổ Nhĩ Kỳ, hay 3,5 tỉ USD của Iran. Về đầu tư, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đứng đầu tại Iraq với số vốn 31 tỉ USD, Iran cũng rót vào đây hàng tỉ USD trong khi các doanh nghiệp Mỹ chỉ có khoảng 400 triệu USD. Đáng chú ý là tháng 2-2009, các công ty Iran đã trúng gói thầu trị giá 1,5 tỉ USD xây dựng khu phức hợp gồm nhà ở, khách sạn, trường học và trung tâm thương mại ở tỉnh Basra, miền Nam Iraq. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải Iraq công bố cấp ngân sách hơn 30 tỉ USD cho các dự án mở rộng hệ thống đường sắt, nhưng cho biết chỉ muốn chọn các công ty của CH Czech, Anh và Ý làm đối tác thực hiện.
Một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Mỹ khó thâm nhập thị trường thương mại và đầu tư ở Iraq là tâm lý của dân sở tại chống lại sự chiếm đóng của quân đội Mỹ, và chi phí an ninh cao. Dù trên danh nghĩa pháp lý, Mỹ không còn là nước chiếm đóng sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 6-2004 ra nghị quyết cho phép Washington duy trì lực lượng an ninh ở Iraq, nhưng ngay cả Thủ tướng Nuri al-Maliki vẫn gọi Mỹ là bên chiếm đóng (nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri). Các doanh nghiệp Mỹ cũng nhận thấy rằng chi phí đảm bảo an ninh có thể chiếm tới 25% vốn thực hiện các hợp đồng thương mại, đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp nước khác, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, lại dễ dàng triển khai các dự án đầu tư và thương mại với chi phí rất thấp, bởi họ được tất cả các cộng đồng người Iraq chấp nhận. Một nhà ngoại giao của một quốc gia châu Âu (giấu tên) tiết lộ rằng cơ hội làm ăn của doanh nghiệp nước này ở Iraq đã tăng lên khi chính phủ quyết định rút quân cách đây hơn 1 năm.
Thật ra, Washington không phải hoàn toàn thất bại trên mặt trận thương mại ở Iraq. Tham vọng của họ trong việc lật đổ Tổng thống Saddam Hussein là dầu mỏ, và từ khi chiến tranh bắt đầu đến nay, Mỹ đã nhập của Iraq lượng “vàng đen” trị giá khoảng 10-20 tỉ USD. Hai tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil và Occidental của Mỹ mới đây cũng nhận được hợp đồng khai thác dầu mỏ ở Iraq và có thể coi đây là bước khởi đầu chinh phục các giếng dầu đầy tiềm năng. Có điều nếu Lầu Năm Góc thật sự sẽ rút hết binh sĩ về nước vào cuối năm tới thì tương lai làm ăn của các doanh nghiệp Mỹ tại quốc gia “nghìn lẻ một đêm” này không có gì đảm bảo.
PHÚC GIA AN
(Theo Nytimes, IHT, Reuters, Tehrantimes)