29/10/2020 - 09:39

Mỹ dùng chiến lược “gai góc” đối phó Trung Quốc 

Thông qua thương vụ bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan, giới phân tích suy đoán Mỹ đang sử dụng chiến lược “con nhím” trong nỗ lực đối phó Trung Quốc.

Hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon. Ảnh: Military Times

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa chấp thuận bán cho Ðài Loan 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon với 400 tên lửa diệt hạm, phương tiện vận chuyển, radar cùng nhiều thiết bị hỗ trợ khác trị giá gần 2,4 tỉ USD. Trước đó, cơ quan này đã duyệt hợp đồng bàn giao cho chính quyền bà Thái Anh Văn lô vũ khí gồm 35 tên lửa hành trình AGM-84H SLAM-ER, 11 hệ thống pháo phản lực HIMARS, 6 tổ hợp cảm biến MS-110 Recce cho tiêm kích, kèm theo hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo vận hành với tổng trị giá 1,8 tỉ USD.

Ðây là lần thứ 9 Mỹ bán vũ khí cho Ðài Loan kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017. Song, hai thương vụ lớn trong tháng này với danh mục gồm một loạt vũ khí tấn công đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của Washington. Ðó là giúp Ðài Loan tăng cường khả năng phòng vệ cùng năng lực tác chiến phi đối xứng, thực thi chiến lược biến hòn đảo này thành một “con nhím” về mặt quân sự.

Mô hình này đồng thời phù hợp nhu cầu và chiến lược quốc phòng mà Ðài Loan theo đuổi từ năm 2017 khi căng thẳng hai bờ eo biển liên tục leo thang. Nhà lập pháp Ðài Loan Wang Ting-Yu nhấn mạnh các thương vụ vũ khí với Mỹ là nền tảng cốt yếu trong tiến trình hiện đại hóa năng lực phòng vệ trước nguy cơ xung đột với Trung Quốc. “Những gì chúng tôi đang làm tại Ðài Loan chính là khiến cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải cân nhắc về cái giá mà họ có thể phải trả” - người này nhận định khi đề cập đến kịch bản Trung Quốc tấn công Ðài Loan.

Theo các nhà quan sát, việc chính quyền Trump tăng cường quan hệ với Ðài Loan và cung cấp cho hòn đảo nhiều khí tài hiện đại sẽ tiếp tục “chọc giận” Trung Quốc giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Ðầu tuần này, Bắc Kinh đã công bố các biện pháp trừng phạt không xác định nhắm vào 3 tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ bán vũ khí cho Ðài Loan gồm Boeing, Lockheed Martin và Raytheon. Trước đó, Trung Quốc cũng liên tục tập trận gần Ðài Loan và nhiều chuyên gia suy đoán cường quốc châu Á thời gian tới có thể đẩy mạnh các hoạt động thị uy tương tự trong khu vực. Tổng Biên tập Hồ Tích Tiến của tờ Hoàn cầu Thời báo còn đề nghị tiến hành phong tỏa kinh tế hoặc phá hủy vũ khí Mỹ nếu Ðài Bắc triển khai. Tuy nhiên, nhiều người nhìn nhận động thái như vậy có thể kích hoạt phản ứng đáp trả từ Washington, dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân rộng lớn giữa hai cường quốc với hậu quả thảm khốc.

Mỹ đang mở rộng chiến dịch đối phó Trung Quốc tới các đảo quốc ở Ấn Độ Dương thông qua chuyến thăm Sri Lanka và Maldives của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Cả hai quốc gia này đều là mắt xích quan trọng trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Bắc Kinh đang triển khai. Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục đến Indonesia trong nỗ lực kêu gọi các nước đẩy lùi hành vi ngày càng khiêu khích của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, AP)

Chia sẻ bài viết