18/10/2020 - 12:00

Mỹ để sinh viên châu Phi "ngả về" Trung Quốc 

Cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong bài phát biểu năm 1959 tại thành phố New York đã đưa ra cách tiếp cận chiến lược mới đối với các quốc gia châu Phi, qua đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington trong một thế giới được bao phủ bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Sinh viên châu Phi theo học tại Trung Quốc. Ảnh: CRI

“Mở rộng cánh cửa các trường đại học và cao đẳng đối với sinh viên châu Phi sẽ là khoản đầu tư được đền đáp bằng lòng thiện chí, sự hợp tác về thương mại cũng như về an ninh” - ông Kennedy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, 60 năm sau đó, kế hoạch hạn chế người dân lục địa đen tiếp cận nền giáo dục xứ cờ hoa của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang trực tiếp chống lại khả năng cạnh tranh và quyền lực địa chính trị lâu dài của Washington. Theo đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) hồi tháng 9 đã tung ra bộ quy tắc dự thảo dành cho thanh niên đến từ 36 nước châu Phi. Cụ thể, sinh viên đến từ các nước này quá thời gian thị thực trên 10% sẽ bị giới hạn thị thực còn 2 năm và chỉ có thể gia hạn được thêm 2 năm, khiến nhiều sinh viên châu Phi khó theo học tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Nếu được thực thi, chính sách mà DHS đưa ra sẽ cắt giảm đáng kể lợi ích của Mỹ, làm suy yếu nền kinh tế Mỹ cũng như hạ nhiệt quan hệ chính trị giữa Washington và châu Phi, đặc biệt là làm tổn hại danh tiếng của Mỹ ở trong và ngoài nước.

Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu Open Doors, kể từ năm 1950, Mỹ đã chào đón khoảng 1,6 triệu sinh viên châu Phi đến học tại các trường đại học và cao đẳng nước này. Rất nhiều người trong số đó sau đó trở nên nổi tiếng và nắm giữ quyền lực ở quê nhà, trong khi số sinh viên chọn ở lại Mỹ đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế nước này, mang đến sự đổi mới và đa dạng về văn hóa. Ðơn cử như trường hợp của Lupita Nyong’o. Nữ minh tinh đoạt giải Oscar này từng theo học tại Ðại học Yale trước khi đảm nhận vai chính trong Chiến binh Báo Ðen, bộ phim điện ảnh mang về cho hãng phim Marvel Studios 1,3 tỉ USD trên toàn thế giới.

Uớc tính cho thấy, sinh viên quốc tế mang lại cho nền kinh tế Mỹ 41 tỉ USD trong năm 2019, trong đó sinh viên châu Phi đóng góp khoảng 1,7 tỉ USD. Các công ty Mỹ như Target, Apple hay Uber Eats nhờ đó được “thơm lây”. Ðáng chú ý, chỉ trong năm 2019, sinh viên châu Phi đóng góp cho Mỹ hơn 20.000 việc làm.

Do đó, việc ngăn cản sinh viên châu Phi theo học ở Mỹ sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế nước này trong khi mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của Mỹ, chẳng hạn như Trung Quốc, nơi biến học bổng dành cho sinh viên châu Phi trở thành nền tảng trong chính sách đối ngoại của họ đối với khu vực. Năm 2014, Trung Quốc trở thành điểm đến số một của sinh viên châu Phi nói tiếng Anh, “vượt mặt” cả Mỹ và Anh. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, tính đến năm ngoái, số sinh viên châu Phi theo học tại Trung Quốc là hơn 81.500 người, tăng mạnh so với con số 50.000 người năm 2015.

Trong bối cảnh trên, giới chuyên gia cho rằng cho phép sinh viên châu Phi theo học tại các trường đại học Mỹ là cơ chế cần thiết để phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhà hoạch định tương lai châu Phi. Theo tờ The Print, hơn 20% các nhà lãnh đạo châu Phi hiện tại từng theo học ở Mỹ, trong đó có các nhà lãnh đạo của Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Ghana, Kenya và Somalia - những nước có quan hệ đối tác kinh tế và an ninh thân thiết với Mỹ.

Trung Quốc làm dịu quan hệ với sinh viên châu Phi 

Trung tuần tháng 4 vừa qua, cộng đồng sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên châu Phi, ở thành phố Quảng Châu một phen “sục sôi” khi các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy công dân từ Togo, Nigeria và Benin sinh sống ở tại đây bị đuổi ra khỏi nhà và bị buộc xét nghiệm COVID-19. Một số người thậm chí còn bị yêu cầu cách ly một mình trong khách sạn. Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng hành động. Theo đó, một quan chức đối ngoại Trung Quốc đã gặp các đại sứ châu Phi để thảo luận vấn đề này.

 HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết