29/08/2020 - 08:38

Mỹ chỉ trích Trung Quốc “tư lợi” 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, hành vi khiêu khích gần đây của Trung Quốc không chỉ thể hiện thái độ vì lợi ích bản thân mà còn cho thấy Bắc Kinh đang coi thường luật pháp quốc tế.

Cáo buộc được Bộ trưởng Esper đưa ra tại một hội nghị ở Hawaii trong khuôn khổ chuyến công du Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðể sở hữu lực lượng quân đội mạnh nhất nhì thế giới, phục vụ tham vọng thống trị khu vực vào năm 2049, ông Essper cho biết kế hoạch bành trướng của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở những vùng tranh chấp trên Biển Ðông hay Hoa Ðông mà còn với bất kỳ nơi nào mà Bắc Kinh xác định là quan trọng cho lợi ích của họ.

Thông qua bài phát biểu, lãnh đạo Lầu Năm Góc đồng thời nhấn mạnh nỗ lực cải cách của Mỹ song song với tăng cường tiếp cận đồng minh nhằm củng cố những hoạt động chiến lược mà Washington đang theo đuổi tại Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Khẳng định các giá trị công bằng và bình đẳng, ông Essper nói rằng việc các nước đồng minh, đối tác có đường lối chính sách tương đồng nhằm duy trì trật tự tự do và cởi mở là hết sức cần thiết, tương tự việc phản đối những hành động gây tổn hại đến lợi ích của tập thể. “Chúng ta cũng cần họ chuẩn bị những khoản đầu tư cần thiết để cải thiện năng lực, bảo vệ lợi ích của nhau, tăng cường tính sẵn sàng cũng như bảo vệ chủ quyền và giá trị của mình” - ông Esper nhấn mạnh.

Ngoài quan sát cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), thăm lực lượng Mỹ ở Guam, ông Esper theo kế hoạch còn công du Palau. Ðây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có mặt tại đảo quốc nhỏ bé nằm ở Ðông Nam Philippines. Xét trong bối cảnh hiện nay, cựu quan chức Lầu Năm Góc Randall Schriver nhận định Palau là nơi dừng chân hợp lý trong hành trình của ông Esper tới khu vực được ví như tâm điểm trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung giành ảnh hưởng toàn cầu.

Nằm trên tuyến Bắc Thái Bình Dương liên kết lực lượng Mỹ đóng tại Hawaii và Guam với các điểm nóng tiềm năng trên lục địa châu Á, Palau còn là một trong số 15 quốc gia còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Ðài Loan bất chấp sức ép từ Bắc Kinh. Trong bối cảnh cường quốc châu Á không ngừng mở rộng ảnh hưởng, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Ðông Á Heino Klinck cho biết chuyến đi của ông Esper một mặt củng cố cam kết của Mỹ với đối tác thời chiến theo tinh thần Hiệp ước Liên kết Tự do ký năm 1994. Ðồng thời, diễn biến này còn xoa dịu những quan ngại về hoạt động kinh tế kiểu “săn mồi”của Trung Quốc trong khu vực. Từ đây có thể thấy việc Bắc Kinh muốn thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị ở Thái Bình Dương đang là mối quan tâm số một của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, Trung Quốc đã có màn “dằn mặt” khi phô diễn sức mạnh quân sự trong cuộc tập trận trái phép quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đặc biệt là vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo với hai trong số đó là tên lửa diệt hạm. Trong thông cáo phát đi vào rạng sáng ngày 28-8, Lầu Năm Góc cho biết cuộc tập trận nói trên là động thái mới nhất trong chuỗi hoạt động của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Ðông Nam Á trên Biển Ðông. Cơ quan quốc phòng Mỹ nói rõ hành vi này đi ngược lại cam kết của Trung Quốc trong Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Ðông (DOC) năm 2002, đồng thời đặt câu hỏi về động cơ thực sự của nước này trong các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN).

Sáng 28-8, Hạm đội 7 Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin (ảnh) đã tiến hành hoạt động “đảm bảo tự do hàng hải” ở quần đảo Hoàng Sa chỉ một ngày sau khi Trung Quốc bắn tên lửa.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết