31/10/2013 - 10:25

Thạc sĩ Vưu Long Vĩ, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, phụ trách khu vực Tây Nam bộ:

Múa vẫn sống ở đồng bang

Tại Cần Thơ đang diễn ra lớp tập huấn múa năm 2013 do Hội Nghệ sĩ múa TP Cần Thơ tổ chức dành cho các biên đạo khu vực ĐBSCL. Dịp này, Thạc sĩ Vưu Long Vĩ, Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, phụ trách khu vực Tây Nam bộ, trao đổi về thực trạng môn nghệ thuật này ở ĐBSCL:


 

Múa ở ĐBSCL có sức sống khá mãnh liệt trong đời sống tinh thần của người dân. Ngoài hơn 100 hội viên của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, còn có hàng ngàn biên đạo, nghệ sĩ của các Trung tâm Văn hóa và Hội chuyên ngành múa các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, trong các đoàn thể, hội nhóm. Đặc biệt, nghệ thuật múa đang rất phổ biến trong môi trường học đường. Hầu như không chương trình nghệ thuật nào ở đồng bằng, dù chuyên nghiệp hay phong trào, mà vắng bóng các nghệ sĩ múa. Họ đã làm cho không khí mỗi đêm văn nghệ sinh động và thu hút hơn.

* Thưa ông, liệu chất lượng đội ngũ nghệ sĩ múa có tương xứng với số lượng?

- Trình độ và khả năng của các biên đạo cũng như diễn viên múa ở ĐBSCL hiện nay hoàn toàn không thua kém các khu vực khác trong cả nước. Trong các liên hoan, hội diễn toàn quốc, các đơn vị của ĐBSCL đều đạt thứ hạng cao. Đơn cử như tại Liên hoan múa không chuyên toàn quốc diễn ra vào giữa tháng 6 vừa qua tại Tây Ninh, trong số 17 HCV được trao, khu vực ĐBSCL đã giành đến 5 HCV.

Một tiết mục múa do các diễn viên của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ biểu diễn.
Ảnh: DUY KHÔI

Các nghệ sĩ đã biết khai thác thế mạnh của múa đồng bằng là yếu tố văn hóa dân tộc, vùng miền. Đội ngũ múa đồng bằng khá năng động và sống được nhờ nghề. Từ đó, họ tự tin và nỗ lực nâng cao chuyên môn, tìm giá trị riêng trong làng múa. Gần đây, nhiều cuộc thi chuyên môn như "Thử thách cùng bước nhảy", "Vũ điệu đam mê"… xuất hiện trên truyền hình đã giúp các nghệ sĩ múa đồng bằng có thêm động lực phấn đấu và rèn luyện.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, một bộ phận nghệ sĩ múa ở ĐBSCL vẫn chưa theo kịp sự phát triển của múa đương đại. Thời gian qua, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn nhằm giúp các biên đạo, diễn viên múa nâng cao tay nghề, mở rộng tư duy, sáng tạo.

* Múa minh họa đang bị lạm dụng trên các sân khấu, ông quan niệm như thế nào về vấn đề này?

- Đúng là múa minh họa đang bị lạm dụng quá mức, tràn lan trên các sân khấu. Các diễn viên diễn loạn xạ, không ăn nhập gì với nội dung bài hát, tạo cho khán giả cảm giác nhàm chán, đơn điệu. Công bằng mà nói, múa minh họa có tác dụng không nhỏ trong việc chuyển tải ý nghĩa và hình tượng ca khúc. Nhưng không phải lúc nào, bài hát nào cũng cần múa minh họa như hình thức lấp đầy sân khấu, vô thưởng vô phạt. Tôi muốn nhắn nhủ với các biên đạo múa ĐBSCL cố gắng trang bị kiến thức, tư duy, xây dựng các tác phẩm múa có ngôn ngữ, có hồn cốt, đặc trưng riêng, dù là múa minh họa.

* Xin cảm ơn ông!

ĐĂNG HUỲNH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết