Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 của Liên đoàn A-rập (AL) dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 năm nay tại Thủ đô Baghdad của Iraq có nguy cơ bị hủy bỏ vì chính phủ của nước giữ ghế chủ tịch luân phiên AL là Libye vừa tuyên bố tẩy chay nhằm tập trung sức lực níu kéo quyền lực đang bị lung lay. Tuyên bố này diễn ra ngay sau khi đại diện thường trực của Libye tại AL, Abdel Moneim al-Honi ngày 20-2 thông báo từ chức để “tham gia cuộc cách mạng” đang trổi dậy ở đất nước ông. Honi nói: “Tôi nộp đơn từ chức nhằm phản đối hành động trấn áp bằng vũ lực chống người biểu tình (ở Libye) và tôi gia nhập hàng ngũ của cách mạng”.
Theo các nhà phân tích, hành động của chính quyền Tripoli phản ánh sự thiếu tin cậy của Tổng thống Muammar Gaddafi về vai trò “đỡ đầu” của Liên đoàn A-rập đối với các quốc gia thành viên sau những gì xảy ra ở Tunisie và Ai Cập. Trong bối cảnh ấy, nhà lãnh đạo đáng kính - cựu Ngoại trưởng Ai Cập Amr Moussa cũng đã tuyên bố sẽ sớm từ bỏ chức Tổng thư ký Liên đoàn A-rập để tham gia tranh cử tổng thống Ai Cập vào cuối năm nay. Vì vậy, tổ chức được thành lập năm 1945 vốn là niềm tự hào của nhân dân A-rập trong cuộc đấu tranh chung vì độc lập dân tộc và chống ách thống trị của ngoại bang đang đứng trước nguy cơ tan rã. Giới quan sát cho rằng sự tan rã của Liên đoàn A-rập nếu xảy ra thì cũng là dấu chấm hết của thế giới A-rập.
Có thể nói, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với Liên đoàn A-rập kể từ khi được thành lập 1945 tới nay. Từ 6 thành viên ban đầu (gồm Ai Cập, Iraq, Jordanie, Liban, Arabie Séoudite và Syria), tổ chức này đã không ngừng phát triển, đến nay có tới 22 nước tham gia. Mục đích của tổ chức này khi thành lập là “thắt chặt mối quan hệ và gia tăng hợp tác giữa các quốc gia, nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền, xem xét các vấn đề chung và các mối quan tâm của các quốc gia A-rập”. Liên đoàn này từng có tiếng nói đáng ngưỡng mộ khắp hành tinh, khi cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser mạnh mẽ chống lại sự can thiệp của phương Tây, ách xâm lược của Israel hồi những năm 1960. Thời điểm đó, khi Algérie giành được độc lập từ tay thực dân Pháp, nước này trở thành “cái nôi” che chở và nuôi dưỡng nhiều nhà cách mạng trên toàn thế giới. Hoặc trong thời gian ấy, Arabie Séoudite áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ chống lại phương Tây. Cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat thì tạo tiếng vang trên chính trường quốc tế bằng các nỗ lực đấu tranh đòi quyền thành lập một nhà nước riêng.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, các chế độ trong thế giới A-rập gần như hoàn toàn không có chiến lược gì để tự giải quyết những vấn đề mang tính sống còn cho tương lai chính trị của mình, mà chỉ phụ thuộc vào đề xuất từ thế giới bên ngoài, chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Nhiều nước đã bất lực nhìn chính quyền Saddam Hussein tấn công Koweit và sau đó đến lượt Iraq bị Mỹ chiếm đóng. Tầm ảnh hưởng của thế giới A-rập ở Iraq thời hậu chiến gần như bằng không. Trong cuộc chiến của Israel chống phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah năm 2006 và Hamas năm 2008, nhiều nhà lãnh đạo A-rập thậm chí còn bí mật ủng hộ nhà nước Do Thái Israel. Sự đóng góp đáng kể duy nhất của thế giới A-rập là tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng con đường đi tới nhà nước Palestine độc lập thì xa vời.
Tương lai nào cho Liên đoàn A-rập? Câu hỏi ấy đang được nhiều người đặt ra như đã và đang đặt ra cho chính quyền của nhiều nước thành viên tổ chức này trước làn sóng biểu tình lật đổ trỗi dậy mạnh mẽ khắp thế giới A-rập.
KIẾN HÒA
(Theo Le Monde, Saba, Reuters, AFP)