15/06/2014 - 09:34

Một nơi chốn khác

Truyện ngắn * KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố dẫu trong lòng luôn cồn cào nỗi nhớ. Sáu năm tôi trốn chạy và sống cuộc sống an hòa, không có những thời khắc vui buồn thái quá, một đời sống khác, khác với đời sống mà tôi đã từng sống. Tôi thử lòng mình như người ta đem vàng nung lên lửa đỏ. Có thể tôi đã lãng quên được điều tôi muốn lãng quên.

 

Tôi gặp thầy Nhân năm tôi vừa 24 tuổi và ngay tức khắc trở thành một mảnh vụn nhỏ bé bị một thỏi nam châm hút vào. Khi đó, tôi vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán, chưa có việc làm. Hằng ngày ra chợ phụ bán hàng tạp hóa cho mẹ. Những ngày thứ bảy, chủ nhật buồn tẻ chẳng có ai gọi điện hẹn hò hay ghé qua chơi. Tôi lúc đó cảm thấy cô đơn ghê gớm.

Trước sự buồn phiền của tôi, qua quen biết của gia đình, mẹ nhờ thầy Nhân cho tôi công việc ở trường mà thầy làm hiệu trưởng. Tôi được phân phụ trách thư viện.

Ngôi trường nằm ở một con đường vắng xe cộ qua lại, bao bọc bởi tường cao sơn vàng. Dọc theo sân trường có hàng chục cây phượng vĩ. Công việc mới quả thật làm tôi yêu thích và lòng thầm cảm ơn thầy Nhân. Trước kia, thỉnh thoảng thầy cũng hay ghé nhà tôi chơi, xưng hô “anh, chị” với ba mẹ tôi và tôi hoàn toàn không chú ý vì nghĩ đây là “người lớn”. Nhưng từ khi đến trường làm việc, tôi khám phá thầy Nhân đơn độc. Một cuộc sống đơn độc khiến tôi tò mò, muốn tìm hiểu. Và dần cảm nhận đôi mắt sáng, nụ cười ấm áp của thầy.

Lúc đầu tôi ngỡ thầy Nhân chưa lập gia đình, nhưng sau đó vô tình tôi mới biết rằng thầy đã từng yêu, từng lấy được người mình yêu. Nhưng vợ thầy đã vĩnh viễn chia tay thầy sau đúng sáu tháng hai người trở thành vợ chồng. Tôi chỉ được biết cô Cúc qua tấm ảnh thầy Nhân lồng kính để trên bàn làm việc. Mái tóc dài nữ sinh bung ra trên bờ vai nhỏ. Chiếc áo dài trắng tinh, đôi tay chụm lại cầm một đóa hoa hồng và nụ cười đang nở trên môi. Thầy Nhân nói “Tấm ảnh này Cúc chụp sau khi tốt nghiệp trung học”. Thầy Nhân hơn cô Cúc bốn tuổi, ngày cô Cúc rời khỏi ghế nhà trường cũng là ngày thầy tốt nghiệp sư phạm. Đám cưới của hai người chỉ là một buổi tiệc nhỏ, rồi cô Cúc về ở với thầy Nhân trong căn nhà tập thể. Cô mở một hàng cà phê nhỏ.

Họ chưa kịp có với nhau một mụn con nào thì cô Cúc từ giã cuộc đời giữa lúc tình yêu và hạnh phúc đang ngập tràn. Đêm hôm đó thầy Nhân cùng với mấy người bạn thân đã lâu chưa gặp đi uống rượu. Quá chén với bạn bè, thầy say khướt. Đó cũng là lần đầu tiên thầy say như vậy và khi những người bạn đưa thầy về đến nhà thì thầy chẳng biết gì hết. Điều đó đã biến thành tai họa. Trong nhà thầy có một bình rượu ngâm các loại rễ cây làm thuốc trị đau bụng. Thường thì cô Cúc hay bị đau bụng dạ dưới, cô chỉ cần uống một ngụm rượu thuốc là giảm đau. Đêm hôm đó, sau khi chườm nước nóng, lo lắng cho chồng xong thì cô Cúc lại đau bụng. Lại đúng lúc mất điện. Giữa ánh đèn dầu mờ ảo, cô không biết rằng cô đã lấy lộn rượu ngâm mã tiền dùng để xoa bóp mà bấy lâu nay thầy vẫn cất trong tủ khóa kỹ vì sợ có người uống nhầm. Buổi chiều, khi lấy chai rượu ngâm mã tiền ra, do vội đi với bạn, thầy Nhân chưa kịp cất vào.

Cô Cúc chết khi vừa đến bệnh viện. Vết thương trong lòng thầy Nhân không bao giờ lành. Từ ngày đó, thầy không đụng đến một giọt rượu mà cũng chẳng hề chú ý đến một người con gái nào.

Khi biết chuyện về thầy Nhân, tôi lại thích quan sát thầy. Tôi bỗng giật mình khi nhận ra cảm giác chỉ cần thầy ngỏ lời là tôi có thể ngã vào lòng thầy không hề suy nghĩ. Nhưng càng ở gần thầy, tôi càng hiểu rằng chính mình đang nuôi một tình yêu vô vọng. Thầy Nhân chung thủy suốt đời với một bóng hình đã khuất xa. Còn tôi thì đợi chờ thầy bằng tình yêu khờ khạo.

*

* *

Sáu năm trốn chạy, với vốn chữ Hán của mình, tôi phụ trách chép kinh và làm những việc liên quan đến Phật học tại một ni viện. Ni viện biệt lập phía bên trong, gồm những căn nhà nhỏ khuất sau những cây tùng, bách, liễu. Con đường gạch đỏ luôn luôn sạch sẽ, nhón trong kẻ gạch là cỏ xanh. Bên ngoài ni viện là hiệu sách và kinh phật, một cửa hàng nhỏ tôi được giao phụ trách. Người tới mua rất nhẹ nhàng. Người bán như tôi cũng không bận lòng. Tôi phụ bán một buổi, một buổi tôi về thư viện của ni viện chép kinh. Hy vọng cửa thiền sẽ giúp tôi tịnh tâm.

Một tháng làm việc ở ni viện, rồi hai tháng, rồi một năm, hai năm... Những ký ức vẫn làm tim nhói đau...

Tôi đã yêu thầy Nhân nhưng tình yêu của tôi càng lớn bao nhiêu thì trái tim của thầy cứng rắn bấy nhiêu. Đêm trước khi tôi rời trường là ngày tổng kết niên học, toàn bộ giáo viên được thầy Nhân mời về nhà dự một tiệc nhỏ. Nhà thầy vắng người, tôi phụ giúp thầy nấu nướng cho buổi tiệc. Khi tất cả khách mời đã ra về, chỉ còn lại tôi và thầy. Giữa đêm tịch mịch, tôi đã nói thật lòng mình và ôm chặt người đàn ông mình yêu. Tôi cảm nhận vòng tay thầy cũng đã thoáng chốc mềm cùng vòng tay tôi. Nhưng thầy đã đột ngột đẩy tôi ra khỏi lòng mình:

- Không được đâu, em về đi.

Tôi bước ra đêm, tôi đợi một tiếng gọi, nhưng thầy đã không hề gọi tôi trở lại.

*

* *

Sáu năm, tôi lại trở về con phố cũ. Những con đường đã khác xưa. Tôi cũng vậy. Đứa con gái 24 tuổi và người phụ nữ 30 tuổi đã là hai con người khác. Chỉ có một điều không thay đổi là hình ảnh thầy Nhân vẫn tràn ngập trong giấc mơ của tôi. Các ni sư khi biết chuyện đã khuyên tôi nên một lần trở lại, đối diện với tình cảm của mình để dứt khoát nắm giữ hay buông bỏ.

Vậy là tôi trở lại. Mẹ tôi đã sang sạp hàng, trở về nhà buôn bán nhỏ. Mẹ ôm chầm lấy tôi: “Con trở về là tốt rồi!”.

Tôi vục gầu xuống giếng, tiếng gầu vỗ vào thành giếng tạo ra âm thanh quen. Mẹ nấu cho tôi một nồi nước bồ kết. Mẹ múc từng gáo bồ kết cho tôi gội đầu. Mẹ nói:

- Con nên đi thăm thầy Nhân đi. Thầy cứ hỏi tin tức con hoài.

- Thầy vẫn dạy ở trường đó hở mẹ?

- Ờ, từ ngày con đi đến nay trường vẫn không có gì thay đổi. Thầy Nhân vẫn ở một mình.

Tôi lấy chiếc xe đạp mẹ thường dùng đi chợ để ở góc nhà, đạp xe hướng về ngôi trường cũ. Lạ kỳ thay, dường như trái tim tôi đang chao đảo như đang tham dự một cuộc hẹn hò. Những trang kinh tôi chép cả sáu năm trời đâu rồi?

Hàng cây trồng trước sân trường đã cao rợp bóng. Đang trong giờ giảng dạy nên cô văn thư ở phòng hiệu trưởng nói, tôi phải đợi khoảng nửa tiếng nữa thầy Nhân mới xuống.

Một mình trong phòng thầy, tôi vô tình cầm những cuốn sổ trên bàn. Một cuốn sổ bìa úa vàng nằm ở tận cùng. Tôi lơ đãng giở ra và bỗng giật mình. Tấm ảnh chân dung của tôi sáu năm trước do thầy Nhân chụp trong một dịp nào đó. Tôi rút tấm ảnh ra, đọc dòng chữ của thầy Nhân: “Em sẽ trở lại phải không Nhật Hạ?”.

Tôi xếp cuốn sổ lại, lặng lẽ bước ra khỏi phòng thầy. Tiếng trống báo hiệu nghỉ giữa giờ vang lên.

Tôi lẫn vào đám đông. Chưa lúc nào tôi cảm thấy tim mình đập rộn mà lòng lại bình yên như lúc này!

Chia sẻ bài viết