11/01/2022 - 07:58

Mở hướng chiến lược cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chuyển đổi số (CÐS) trong ngành Ngân hàng thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, mở rộng quy mô, phạm vi và được ghi nhận bằng nhiều thành quả tích cực. Ðây là cơ sở để toàn ngành tiếp tục hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng để phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ tiện ích, an toàn. Ðồng thời, tăng cường trải nghiệm khách hàng, đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.

Khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số Onebank của Nam A Bank.

Những bước tiến mới

CÐS ngành Ngân hàng được ghi nhận bằng nhiều thành quả tích cực khi nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số (thanh toán, tiền gửi, tiết kiệm…) đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch COVID-19; thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh.

Ðối với ngành Ngân hàng, CÐS là hướng đi chiến lược nhằm cạnh tranh hiệu quả, thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Ðào Minh Tú, trong năm 2021, NHNN đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy CÐS ngành ngân hàng. Ðến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ, các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Năm 2021, Việt Nam được Công ty Tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. NHNN đã tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình công nghệ mới ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào dịch vụ ngân hàng cốt lõi như thanh toán, nhận tiền gửi, cấp tín dụng… Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh, thanh toán qua POS, qua ATM, chuyển khoản trên Internet, qua mã QR, triển khai thí điểm dùng tài khoản thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ như Mobile Money, thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công, điện, nước, viện phí… đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được coi trọng và tăng cường, nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn và xử lý kịp thời.

CÐS là nhu cầu rất lớn và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng, tạo ra các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số. Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HÐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nhận thức được tính tất yếu và cơ hội CÐS, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã triển khai những bước đi mạnh mẽ, đặc biệt là đã đạt được những kết quả ban đầu rất cao. Từ rất sớm Vietcombank đã xác định lựa công nghệ phù hợp và số hóa là nền tảng then chốt để quyết định quy trình tăng năng lực cạnh tranh. Hiện nay các dịch vụ số của Vietcombank ngày càng được nâng cấp, đa dạng hóa. Số lượng khách hàng cá nhân đăng ký sử dụng ứng dụng Digibank của Vietcombank tăng trưởng mạnh mẽ. Tính riêng 11 tháng đầu năm 2021 số lượng khách hàng trên ứng dụng số tăng 44%, số lượng giao dịch tăng gần 57%, giá trị giao dịch tăng 64%... Tỷ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số chiếm 97% trên tổng số giao dịch. Theo ông Dũng, Vietcombank xem CÐS là một đột phá chiến lược và đang triển khai với quyết tâm cao bằng chương trình hành động CÐS tổng thể, toàn diện nhằm mục tiêu đạt tới mức độ CÐS trong top các ngân hàng hàng đầu của Asean vào năm 2025.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu khả quan song theo theo đánh giá của các ngân hàng, việc CÐS nói chung vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế về nền tảng công nghệ và dữ liệu quy mô và năng lực ứng dụng các công nghệ của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ðặc biệt là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, hạn chế về năng lực phân tích nâng cao về dữ liệu, hạn chế trong tạo ra các mô hình kinh doanh mới, hay bản thân doanh nghiệp chậm thay đổi... vẫn là các rào cản lớn cho CÐS. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phục vụ CÐS còn chậm so với nhu cầu phát triển. Theo ông Phạm Quang Dũng, CÐS thành công là điều kiện quyết định để đảm bảo năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia. Và đầu tư thích đáng cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao chắc chắn sẽ mang lại giá trị to lớn cho khách hàng. Ðể hỗ trợ CÐS, Vietcombank kiến nghị Chính phủ, NHNN ưu tiên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho CÐS ngành ngân hàng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho các hoạt động cho vay trên kênh số, tự động hóa quy trình cho vay, ứng dụng công nghệ 4.0, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho ngành ngân hàng…

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Ðào Minh Tú, CÐS đang đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức, đòi hỏi sự đồng bộ và phù hợp của các quy định, hành lang pháp lý hiện hành để theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ và các ứng dụng CÐS. Các sản phẩm công nghệ mới, xu hướng có nhiều tổ chức tham gia vào hoạt động thanh toán, cung ứng sản phẩm trung gian thanh toán… cần có hành lang pháp lý đồng bộ để hạn chế rủi ro cho khách hàng nói riêng và hệ thống thanh toán nói chung. Bên cạnh đó là thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng, tạo thuận tiện cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số; sự thay đổi về nhu cầu, hành vi khách hàng, việc đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng, việc bố trí nguồn lực phục vụ CÐS… Vì vậy, trong năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh CÐS trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho CÐS của ngành Ngân hàng đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin như ngân hàng số, thanh toán số. Ðặc biệt là tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động thanh toán và trong quá trình CÐS.

Chia sẻ bài viết