04/04/2012 - 22:35

Mali - "điểm nóng" an ninh mới của thế giới

Nước CH Mali đang trở thành một “điểm nóng” an ninh mới của thế giới, buộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn “mối đe dọa khủng bố” tại quốc gia này. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) và Mỹ gia tăng áp lực trừng phạt, còn Pháp và Liên minh châu Âu (EU) thì dọa hỗ trợ hậu cần quân sự chống chính quyền đảo chính ở Bamako.

Dự kiến trong sáng nay (5-4), theo hãng tin Pháp AFP, 15 nước thành viên Hội đồng bảo an LHQ sẽ thông qua nghị quyết chung về cuộc khủng hoảng chính trị tại Mali, trong đó nhấn mạnh “mối đe dọa Hồi giáo cực đoan” đang xuất hiện tại Mali, đồng thời thúc giục các quốc gia trong khu vực (Tây Phi) hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống lại mạng lưới al-Qaeda tại vùng Hồi giáo Maghreb (AQIM). Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé giải thích rằng trong thành phần phiến quân Tuareg ở Mali có một số nhóm chiến đấu cho AQIM, một chi nhánh cực đoan của al-Qaeda ở Bắc Phi.

Thủ lĩnh chính quyền quân sự Sanogo (giữa) trong cuộc họp ngày 3-4. Ảnh: Reuters 

Ủy viên phụ trách các vấn đề an ninh và hòa bình Ramtane Lamamra của AU ngày 3-4 cũng đã ra thông báo tổ chức này ủng hộ các biện pháp “trừng phạt toàn diện” của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) chống chính quyền quân sự Mali, có hiệu lực từ hôm 2-4, đồng thời tuyên bố AU sẽ xem xét lệnh cấm vận riêng, như phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các thủ lĩnh đảo chính và tất cả những ai (ám chỉ phiến quân Tuareg) đang gây bất ổn định Mali. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng ra thông cáo hoan nghênh hành động của ECOWAS, yêu cầu tất cả các nhóm vũ trang nổi dậy tại Mali phải tiến hành đối thoại với giới lãnh đạo dân sự ở Thủ đô Bamako nhằm tìm ra một giải pháp phi bạo lực hướng tới cuộc bầu cử tự do và chung sống hòa bình, đồng thời cảnh báo Washington sẽ cấm nhập cảnh những ai cản trở tiến trình chuyển giao quyền lực dân sự và bầu cử dân chủ ở Mali. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo công dân nước này không nên đến Mali.

Theo AFP, sau cuộc binh biến tại Bamako hôm 21-3 dẫn đến sự suy yếu nghiêm trọng của quân đội chính phủ, Phong trào Giải phóng Quốc gia Azawad (MNLA) của phiến quân Tuareg đã kiểm soát các thành phố lớn ở miền Bắc Mali và đang hướng về Mopti, thành phố lớn thứ 3 ở miền Trung nằm cách Bamako 460 km về phía Đông. Nếu chiếm được miền Trung thì đây sẽ là bàn đạp để lực lượng nổi dậy tiến công Bamako và kiểm soát hoàn toàn Mali. Tuareg chỉ chủ trương thành lập một nhà nước độc lập ở miền Bắc, còn các nhóm cực đoan tham gia phong trào này muốn biến Mali thành một nước cộng hòa Hồi giáo. Một trong những nhóm này là Ansar Dine có mối quan hệ chặt chẽ với AQIM.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng đã đưa ra khuyến cáo tương tự với công dân của mình và cho rằng sự hiện diện của “mối hiểm họa Hồi giáo” trong nhóm phiến quân Tuareg đang làm phức tạp kế hoạch của Paris trong nỗ lực giải cứu 6 con tin người Pháp trong số 13 con tin người châu Âu đang bị AQIM bắt cóc và giam giữ tại khu vực Tây Phi. Ngoại trưởng Juppé bác bỏ khả năng Pháp trực tiếp can thiệp quân sự như từng xảy ra ở Bờ Biển Ngà, nhưng tuyên bố Paris và EU có thể hỗ trợ hậu cầu giúp ECOWAS đưa quân tới Mali dàn xếp cuộc xung đột. Ông hối thúc Algérie, nước có tiềm lực quân sự hùng mạnh nhất ở Tây Phi nhưng không thể can thiệp quân sự qua biên giới theo quy định của Hiến pháp Algérie, phải tăng cường phối hợp với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống al-Qaeda.

Trong khi đó, bất chấp lệnh trừng phạt của ECOWAS và sự đe dọa cấm vận, tấn công quân sự của nhiều nước, thủ lĩnh nhóm đảo chính quân sự tại Bamako, Đại tá Amadou Haya Sanogo vẫn cương quyết không từ chức, mà chỉ cam kết sẽ khôi phục trật tự hiến pháp sau khi người dân Mali nhất thiết phải tham gia hội nghị hiệp thương được tổ chức trong ngày 5-4. Ông cho biết hội nghị đột xuất này sẽ quyết định mô hình chính quyền chuyển tiếp trước khi tổ chức bầu cử hợp pháp.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết