11/11/2019 - 15:04

Mái ấm của người già neo đơn 

Nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ từ nhiều năm qua là mái nhà chung của 20 cụ già neo đơn. Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, đời sống của các cụ ngày càng được cải thiện. Điều đáng quý hơn là mái nhà chung này hằng ngày vẫn rôm rả tiếng nói cười, yêu thương săn sóc lẫn nhau giữa các cụ như những người thân trong gia đình.

Bà Trần Thị Liên (bên trái) cảm thấy rất vui khi được sống chan hòa tại Nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa thị trấn Cờ Đỏ.

Nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa (Nhà nuôi dưỡng) do Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cờ Đỏ quản lý. Ông Lữ Quang Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn, cho biết, Nhà nuôi dưỡng được xây dựng từ năm 1994, trên phần đất hơn 150m2 trong tổng diện tích 250m2 do các mạnh thường quân hiến đất. Gần 25 năm qua, nơi đây đã cưu mang nhiều cảnh đời bất hạnh, có cụ tuổi già không có người thân, lại bệnh tật triền miền; có cụ vì nghèo khó, sống lang bạt, khi về già tìm nến nơi này để có chỗ tránh mưa, tránh nắng; cũng có trường hợp bị tai nạn giao thông, không có tiền cứu chữa được các cụ cứu giúp, rồi xin tá túc nơi mái nhà chung này.

Gần 8 năm sinh sống ở Nhà nuôi dưỡng này, bà Trần Thị Liên (quê ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) xem nơi đây là gia đình của mình. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bà Liên sống với ông bà nội cho đến khi tròn mười tám, ông bà lần lượt mất, bà đi “ở đợ” cho một gia đình ở TP Hồ Chí Minh. Lên 19 tuổi, bà lập gia đình nhưng cuộc sống không hạnh phúc, bà ly hôn, kể từ đó bà bán vé số để sinh sống. Công việc này gắn bó với bà cho đến khi gần 60 tuổi nhưng cuộc sống vẫn hoàn khó khăn bởi bà vốn bị bệnh tim, không đủ tiền thuốc men và chi tiêu trong cuộc sống. Dầm mưa dãi nắng, thu nhập lại bấp bênh nên sức khỏe của bà ngày càng giảm sút. Gần 60 tuổi, bà xin phụ giúp việc nhà cho một gia đình ở Ô Môn và được người chủ thương tình, giới thiệu về Nhà nuôi dưỡng sinh sống. Bà Liên tâm sự: “Tôi không có người thân từ nhỏ, suốt đời sống rày đây mai đó, cơ may được về Nhà nuôi dưỡng này ở, tôi mừng như được về nhà của mình. Ở đây, mọi người xem tôi như người thân trong gia đình, chăm sóc nhau khi ốm đau”.

Còn bà Huỳnh Thị Tâm (quê ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mới vào nhà nuôi dưỡng này ở từ tháng 2-2019. Gia đình bà Tâm rất khó khăn, chồng bà mất khi đứa con trai duy nhất vừa 3 tuổi. Kể từ đó, bà một mình thân cò nuôi con đến khi trưởng thành. Không có ruộng đất canh tác nên con trai bà sau khi kết hôn đã về sống chung gia đình bên vợ ở tỉnh Bến Tre. “Cuộc sống của con cũng khó khăn lắm nên khi được người quen giới thiệu, tôi xin vào Nhà nuôi dưỡng này để tìm niềm vui cuối đời” - bà Tâm tâm sự. Tuy tuổi cao nhưng bà Tâm vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn. Vì vậy, bà thường phụ giúp mọi người quét dọn, đi chợ hoặc nấu ăn. Theo bà Tâm, những công việc lặt vặt vừa giúp mọi người rèn luyện sức khỏe, vừa khiến tinh thần thêm thư thái hơn.

Ông Lữ Quang Minh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Để Nhà nuôi dưỡng hoạt động hiệu quả, Hội đã thành lập Ban Điều hành 10 người, gồm người đại diện, thủ quỹ, người phụ trách vận động nguồn lực, người phục vụ; có 2 người nấu ăn, chăm sóc các cụ”. Bà Huỳnh Thị Chưởng, quản lý Nhà nuôi dưỡng nhận chăm sóc các cụ gần 6 năm nay. Bà Chưởng chia sẻ: “Tôi có 3 người con, tất cả đều đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Thời gian rảnh rỗi, tôi vào Nhà nuôi dưỡng, quét dọn và chăm sóc các cụ, xem đó là niềm vui an hưởng tuổi già. Ở đây, ngoài 2 người phục vụ, săn sóc, các cụ cũng yêu thương, tự chăm sóc lẫn nhau nên tôi cũng không vất vả lắm”. Nhiều cụ có sức khỏe tốt còn tình nguyện nấu cơm, phát cơm miễn phí cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Quân Dân y TP Cần Thơ.

Theo bà Chưởng, hiện Nhà nuôi dưỡng có 20 cụ, nhưng chỉ có 5 cụ có thẻ bảo hiểm y tế, còn 15 cụ chưa có bảo hiểm y tế, vì trước khi vào Nhà nuôi dưỡng đều không có chỗ ở ổn định; 2 chiếc tivi duy nhất phục vụ các cụ giải trí cũng đã hư. Cách đây không lâu, một số nhà hảo tâm hỗ trợ 200 thùng gạch, xi măng để xây dựng khuôn viên, mở rộng sân cho các cụ tập thể dục nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ chi phí. Vì vậy, rất cần các nhà hảo tâm gần xa hỗ trợ thêm để các cụ sống vui, sống khỏe.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

 

Chia sẻ bài viết