Trả lời phỏng vấn Nhật báo Phố Wall (Mỹ) hôm 8-3, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết chính quyền nước này sẽ yêu cầu Mỹ bổ sung thêm gói viện trợ quân sự trị giá 20 tỉ USD nhằm chuẩn bị đối phó với cái mà ông coi là “những mối đe dọa tiềm ẩn có liên quan đến tình hình bất ổn hiện nay ở Trung Đông”. Ông cho rằng khoản viện trợ này sẽ không chỉ giúp tăng cường khả năng đảm bảo an ninh của Israel trong tương lai, mà còn xây dựng nên “một nhà nước Do Thái vững chắc, có trách nhiệm ở khu vực đầy hỗn loạn này”.
Ông Barak tuyên bố Tel Aviv không hề lo sợ những thay đổi đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi. Trái lại, vị cựu Thủ tướng Israel mô tả các cuộc cách mạng lật đổ đã và đang nổ ra ở Tunisie, Ai Cập, Libye là “một cơn địa chấn lịch sử, một trào lưu đúng hướng và đáng ngưỡng mộ của các xã hội A-rập tiến tới kỷ nguyên hiện đại”. Tuy nhiên, theo ông Barak, sức ép chính trị từ công chúng ở thế giới A-rập có thể ảnh hưởng đến thế hệ lãnh đạo mới của nhiều nước trong khu vực này theo hướng giữ khoảng cách quan hệ với Israel, nhưng lại tăng cường quan hệ với các nước mà Mỹ và Israel coi là kẻ thù như Iran chẳng hạn. Cho nên ông Barak ve vãn rằng nếu “nâng chất lượng viện trợ quân sự” cho Israel, Mỹ có thể đảm bảo vai trò thống trị ở khu vực.
Có điều ông Barak biết rõ sẽ khó thuyết phục các nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu thông qua khoản viện trợ quân sự bổ sung nói trên trong thời điểm hiện nay khi mà cả chính phủ Mỹ cũng gây sức ép Israel và Palestine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, vốn đã bao phen đổ vỡ do lỗi lớn từ chính sách hiếu chiến của Israel. Vì thế, ông Barak đánh tiếng sẽ “nhượng bộ” bằng một thỏa thuận hòa bình “táo bạo” với người Palestine. Theo đó, Israel chấp nhận một nhà nước Palestine độc lập với đường biên giới tạm thời hiện hữu (chứ không phải là một quốc gia độc lập và trọn vẹn lãnh thổ với các vùng đất bị Israel chiếm đóng là Khu Bờ Tây và Đông Jerusalem như mong muốn của người Palestine). Ngoài ra, một quan chức hành pháp Israel cho hay Thủ tướng Netanyahu cũng đang tìm kiếm sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây về sự hiện diện quân sự của Israel ở một khu vực giáp biên giới với Jordanie nhằm duy trì an ninh quốc gia sau khi đạt thỏa thuận hòa bình như vậy với Palestine.
Thế nhưng, đề xuất nói trên của Israel đã bị Palestine bác bỏ. Giới lãnh đạo Palestine cho rằng đây là âm mưu của Nhà nước Do Thái Israel nhằm chiếm dụng vĩnh viễn vùng đất của người Palestine. Do vậy, dư luận tin rằng cái gọi là “nhượng bộ” ấy của Israel chỉ đơn giản là nhằm mặc cả với giới cầm quyền Mỹ, chứ không phải là tín hiệu gì sáng sủa cho nền hòa bình Trung Đông, nếu không muốn nói là có thể làm cho khu vực nhiều bất ổn này thêm căng thẳng.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)