09/09/2009 - 21:14

Lưỡi không chỉ là vị giác

Ảnh: Georgia Tech

Ngoài những chức năng thường ngày như nêm nếm, nuốt thức ăn, mút kẹo, trò chuyện, bày tỏ thái độ chê bai hay giễu cợt hoặc lãng mạn hơn là hôn nhau, chiếc lưỡi của chúng ta còn có thêm nhiều khả năng mới như:

Điều khiển xe lăn

Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) vừa phát minh loại xe lăn cho phép người ngồi trên xe không cần dùng tay hay chân mà chỉ cần dùng lưỡi để điều khiển xe. Theo phó giáo sư Maysam Ghovanloo, công nghệ này sẽ rất có ích cho người bị chấn thương cột sống bởi không giống như tay và chân, lưỡi là bộ phận không bị ảnh hưởng khi tủy sống bị tổn thương.

Để di chuyển xe lăn, một viên nam châm cỡ hạt đậu được cố định trên lưỡi của người sử dụng bằng loại keo có thể ăn được. Khi người ngồi trên xe dùng lưỡi chạm vào một chiếc răng nào đó trong miệng, xe sẽ tự động lăn bánh. Chẳng hạn, nếu lưỡi chạm vào răng bên trái thì xe sẽ rẽ sang trái và ngược lại.

“Lưỡi lúc nào cũng động đậy, nhưng công nghệ này đủ “thông minh” để phân biệt đâu là cử động tự nhiên và đâu là cử động dùng để điều khiển xe”, bà Ghovanloo cho biết.

Mùa hè vừa qua, chiếc xe lăn điều khiển bằng lưỡi này đã được thử nghiệm với những người bị chấn thương cột sống. Tuy nhiên, nó còn phải trải qua nhiều thử nghiệm nữa vào năm 2010 trước khi đến tay người tiêu dùng.

Hỗ trợ thị lực

Một thiết bị cho phép người sử dụng “quan sát” thông qua lưỡi vừa được các nhà khoa học phát triển. Với tên gọi BrainPort, thiết bị được gắn trên lưỡi nhằm giúp người mù nhận biết môi trường xung quanh. Với kích thước và hình dáng giống tem thư, BrainPort được liên kết với máy quay kỹ thuật số. Chiếc máy này sẽ giúp người sử dụng “nhìn thấy” những cảnh vật thật xung quanh mình bằng cách biến các cảnh tượng đó thành những phản ứng kích thích nhẹ nhàng trên lưỡi. Ví dụ khi người mang BrainPort đi vào một căn phòng, nó sẽ tạo ra những xung động đặc trưng giúp họ mường tượng ra mình đang ở đâu.

Theo Wicab, công ty chế tạo BrainPort, sở dĩ các chuyên gia chọn chiếc lưỡi vì bộ phận này cực kỳ nhạy cảm do dày đặc các đầu dây thần kinh. Hơn nữa, đặt thiết bị trong miệng, tay chân người sử dụng có thể thoải mái hơn để tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Sản phẩm dự kiến có mặt trên thị trường trong năm tới.

Lưỡi điện tử cảm nhận vị ngọt

Đại học Illinois (Mỹ) vừa sáng chế dụng cụ cầm tay cỡ danh thiếp có khả năng cảm nhận vị ngọt trong thức ăn và nước uống. Phát minh này có thể mở đường cho sự ra đời của chiếc lưỡi điện tử đầu tiên có khả năng nhận biết nguồn gốc của vị ngọt trong thực phẩm

Thiết bị có thể phân biệt đến 14 loại chất ngọt khác nhau, từ đường tự nhiên đến đường nhân tạo...

BẢO TRÂM (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết