05/02/2019 - 09:53

Lực đẩy thành phố Cần Thơ tăng tốc
Bài 2: Đất lành 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, TP Cần Thơ đang là điểm đến hấp dẫn cho những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Nhiều doanh nhân xem TP Cần Thơ là “hạt nhân” cho chiến lược đầu tư tại ĐBSCL và đã có những thành công từ sự hợp tác này. Lãnh đạo thành phố luôn sẵn sàng chia sẻ những tiềm năng, thế mạnh của mình với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để cùng nhau phát triển...

Cú huých niềm tin

Xác định là trung tâm động lực vùng ĐBSCL, những năm qua Chính phủ đã tích cực hỗ trợ, xây dựng các chính sách thúc đẩy cho thành phố phát triển. Đó là những hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT), các hội nghị hợp tác, gặp gỡ, gia tăng hàm lượng chất xám giúp Cần Thơ phát triển.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo thành phố tiếp và giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản về cơ hội hợp tác đầu tư với thành phố.

Nổi bật trong năm, Cần Thơ đã tổ chức thành công Hội nghị XTĐT TP Cần Thơ năm 2018 với sự chủ trì của Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc. Hội nghị thu hút trên 600 đại biểu doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế tham dự. 54 danh mục dự án được công bố mời gọi đầu tư, tổng diện tích 4.780ha, với nguồn vốn gần 124.000 tỉ đồng. Tại hội nghị, thành phố cũng đã trao 10 quyết định, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng; có 19 thỏa thuận hợp tác đầu tư vào thành phố được ký kết với tổng số vốn gần 85.000 tỉ đồng; thành phố cũng đã ký thỏa thuận hỗ trợ tài chính với 4 ngân hàng thương mại,...

Nhật Bản được xác định là đối tác chiến lược thu hút đầu tư của TP Cần Thơ. Để thúc đẩy mạnh mẽ mối hợp tác này, thành phố đã lập Tổ công tác Nhật Bản tại TP Cần Thơ (Japan Desk) do một Phó Chủ tịch UBND thành phố  phụ trách. Japan Desk nhằm kết nối hỗ trợ các nhà đầu tư từ Nhật Bản tìm hiểu môi trường đầu tư tại TP Cần Thơ. Trong năm qua, thành phố đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL” ; phối hợp với VCCI Cần Thơ tổ chức Chương trình giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 tại TP Cần Thơ. Đặc biệt, TP Cần Thơ đã ra mắt Khu Công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, là điểm nhấn góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư từ Nhật Bản vào TP Cần Thơ. Để thúc đẩy hợp tác mạnh hơn với đối tác Nhật Bản, trong năm qua, TP Cần Thơ cũng đã tổ chức đoàn đi xúc tiến hợp tác, đầu tư tại Nhật Bản.

Thực thi cam kết

Sau Hội nghị XTĐT TP Cần Thơ, các nhà đầu tư đã hiểu thêm về thành phố, thực hiện cam kết đầu tư. Ngay sau Hội nghị XTĐT TP Cần Thơ năm 2018, UBND thành phố đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Khu Đô thị mới An Bình 3, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, diện tích 48,75ha cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Phát, thời gian thực hiện từ quý IV năm 2018 đến quý III năm 2023 hoàn thành.

Lãnh đạo thành phố đón tiếp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến TP Cần Thơ.

 Đến dự và phát biểu tại Hội nghị XTĐT TP Cần Thơ vào tháng 8-2018, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhận định, sự phát triển đầy ấn tượng về cơ sở hạ tầng đưa TP Cần Thơ trở thành cửa ngõ của hạ lưu sông Mekong và là đầu tàu kinh tế của toàn bộ khu vực. TP Cần Thơ đang được nhiều doanh nghiệp xem là “hạt nhân” cho chiến lược đầu tư tại ĐBSCL. Trong chiến lược phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đa hình thái, Tập đoàn FLC lựa chọn TP Cần Thơ làm “hạt nhân” cho chiến lược đầu tư tại ĐBSCL. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn FLC đã và đang nghiên cứu đầu tư 3 dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn, bao gồm mô hình tháp biểu tượng dịch vụ 5 sao tại trung tâm thành phố và hai quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, đầy đủ tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, tổng diện tích lên tới 1.600ha.

Cam kết sẽ đồng hành cùng TP Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT cho biết, trong vòng 5 năm tới, FPT dự định sẽ đầu tư 2.000 tỉ đồng cho tổ hợp phân hiệu Đại học FPT Cần Thơ và Công viên phần mềm FPT Cần Thơ nhằm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cho địa phương, đồng thời hình thành trung tâm dịch vụ công nghệ thông tin thứ 4 của FPT tại TP Cần Thơ. Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng cam kết, nếu được giao quản lý, sẽ nỗ lực để phát triển cụm cảng Cái Cui thành cảng biển lớn, hiện đại và là trung tâm logistics lớn của khu vực ĐBSCL, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế của toàn khu vực.

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, Tổng Công ty Xây dựng công trình  giao thông 5- (CIENCO 5) và Công ty cổ phần Đầu tư Đại Đông Á (BEA Holdings) dự án Khu đô thị mới An Bình 1, với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 2,5 năm kể từ thời điểm bàn giao đất cho chủ đầu tư. Cuối tháng 12-2018, LDG Group cũng đã khởi công dự án Khu đô thị thông minh Thành Đô tại quận Ô Môn, chính thức đặt nền móng cho việc mở rộng thị phần đầu tư phát triển dự án tại khu vực Tây Nam bộ. Dự án có tổng cộng 156 căn nhà phố và biệt thự sân vườn với tổng giá trị đầu tư hơn 350 tỉ đồng. Đây là khu đô thị biệt lập, được quản lý an ninh khép kín theo mô hình khu đô thị thông minh.

Ông Motoyuki Nakamura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet (nhà máy tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2) cho rằng: “Đầu tư tại TP Cần Thơ, doanh nghiệp không chỉ được hỗ trợ về chính sách đầu tư, cùng với chính quyền thân thiện mà với lợi thế nguồn nhân lực tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ quản lý với trình độ ngày càng nâng cao... nên hoạt động của công ty rất thuận lợi. Là thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã giới thiệu cho nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và hướng tới hợp tác đầu tư tại TP Cần Thơ...”.

Nam Hương - Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết