20/04/2011 - 20:44

Lúa gạo Campuchia
Doanh nghiệp Việt Nam cần sự hỗ trợ

Cánh đồng mẫu ở Takeo.

Khi FAO điều chỉnh sản lượng lúa năm 2010 của Campuchia lên 8 triệu tấn, mức dôi dư 3,8 triệu tấn. Người ta đoan chắc, 2,1 triệu tấn trong số này được xuất sang Việt Nam và Thái Lan. Hiện nay, nhiều nước nhắm tới nguồn lúa gạo dôi dư chứ không chỉ có hai nước láng giềng này.

Chuỗi cung ứng cũ

Chị Huệ, vợ anh Sron Phor, trưởng ấp 8, Chrey Thum, tỉnh Kaldal, nói: “Bữa nay giá IR 50404 khoảng 5.700-5.800đ/kg, nhưng ba bữa nữa mới có lúa vì dân bên đây ăn Tết Chôl Chăm Thmây hết rồi”.

Vừa gả con gái qua Takeo, bên sui có 5 xe tải chuyên nghề chở lúa từ Battambang về Takeo, mỗi xe 20 tấn. Con gái vừa về nhà chồng đã rủ mẹ ruột hùn vốn mua một chiếc xe tải loại 22.000 USD/chiếc. Chị Huệ vẫn còn chưa ưng ý nói: “Chưa phải là loại tốt nhất. Loại ngon hơn, giá 32.000 USD/ chiếc”. Mỗi ngày, nhà sui đi từ Takeo lúc nhá nhem tới sáng về tới biên giới, giao lúa xong, nghỉ ngơi tới chiều lại chuẩn bị đi tiếp. “Mùa này lúa bên đây nhiều lắm. Bây giờ người ta có tổ chức, vừa bán cho Việt Nam vừa bán cho Thái Lan. Việc mua bán do những người Hoa ở Battambang, Phnom Penh điều hành. Họ muốn cho giá bao nhiêu là lời bấy nhiêu”, chị Huệ nói.

So với năm ngoái, ông Nguyễn Văn Tân, thương lái lúa vùng biên giới Long An - An Giang có vẻ thận trọng khi nhập lúa từ Campuchia. “ Trong những bao lúa họ đều độn rơm phủ mặt, nhiều khi phần rơm đã 1,9 ký. Nhưng khi trừ bì thì họ yêu cầu chỉ tính 1 ký, không chịu thì thôi. Chưa bao giờ họ mua bán như vậy” - ông Tân nói.

Gạo sóc (bên Campuchia) về tới biên giới (Mộc Hóa, Vĩnh Hưng) gần 6.000 đồng/kg. Loại lài thơm hạt dài, thương nhân Campuchia trữ từ đầu vụ nay bán lại với giá 15.000 đồng/kg gạo, ông Tân, mua đi bán lại trừ chi phí chỉ lời 100 đồng/kg, nói rằng do diễn biến hơi khác thường nên ông chỉ lo vốn mua lúa chứ không dám sắm phương tiện. Ngược lại, cũng có một số thương lái từng mua lúa đã chuyển sang làm dịch vụ vận tải. Cứ 1 tấn lúa từ Mộc Hóa về Long An, cước phí vận chuyển: 140.000 đồng, từ Vĩnh Hưng về Long An cao hơn 20.000 đồng/tấn; Châu Đốc về Long An: 230.000 đồng/tấn. Kinh nghiệm của ông Tân, thời điểm này mua lúa không lời nhiều bằng nếp. Nhờ nhanh tay ông đã vựa 300-400 tấn nếp bán lai rai từ đây đến tháng 7 mới hết. Sức mua mỗi vụ của ông Tân chỉ khoảng 1.500 tấn. Nếu cạnh tranh lúa ngang, không cách nào sống nổi với thương lái cung gạo cho VFA. Nhưng nếu mua gạo sóc, nếp mùa đặc sản thì ông có thể sống được trên thị trường nội địa. Giá nếp đã có lúc lên tới 26.000-28.000 đồng/kg, hiện nay còn 22.000 đồng/kg. Ông có thể tự định giá vì không chịu áp lực vay tiền ngân hàng lãi suất cao, cũng không chịu tác động khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan thấp hơn Việt Nam 6 USD/tấn. “Hiện nay, mỗi ngày tui mua 100 tấn, sấy khô, xay rồi mới bán. Nhờ lượng gạo ngon cung ứng cho thị trường nội địa nên lượng gạo dôi dư xuất khẩu được bổ sung cả triệu tấn mỗi năm”, ông Tân mô tả dòng lúa từ Campuchia dồn về biên giới.

Thầm lặng, riêng lẻ

Ít nhất, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ là 3 đơn vị “âm thầm” yểm trợ cho Campuchia tự túc lương thực. Riêng AGPPS, từ năm 2002 đến năm 2010 đã mở hàng loạt các lớp huấn luyện kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại, ứng dụng mô hình sinh thái “ruộng lúa, bờ hoa”... Hàng ngàn nông dân, kể cả lực lượng Hiến binh Hoàng gia cũng theo học để tự xây dựng cánh đồng mẫu.

Cách mua bán gạo ở vùng biên phía Tây Nam không giống hoạt động xuất khẩu ở các thương cảng, nó giống như sự vận hành mùa vụ giữa xóm này với xóm kia. Dòng chảy của lúa tươi tự nhiên về nơi nào có nhà máy xay xát, có lò sấy và mua - bán trả tiền liền. Theo ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên kinh tế - kỹ thuật thuộc Công ty TNHH Công - Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, nhà cung cấp thiết bị sấy, xay xát cho chương trình hiện đại hóa ngành xay xát lúa gạo của Campuchia, nói: Hiện nay vẫn còn thấy nhiều nhà máy kiểu xưa ở Battambang, nhưng họ sẽ nhập máy móc từ Việt Nam để chuyển đổi nhanh hơn khi công ty tài chính IFC thuộc WB thay đổi cách tiếp cận: tín dụng ưu đãi phát triển công nghệ mới.

Quốc vụ khanh Bộ Nông lâm nghiệp Vương quốc Campuchia, Ngài Ok SoKhon tận mắt chứng kiến cánh đồng mẫu 8-9 tấn/ha/vụ do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang trợ giúp kỹ thuật, vật tư nông nghiệp, khẳng định “Thủ tướng Hun Sen mong muốn Campuchia xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015”. Theo tính toán, Campuchia cần 350 triệu USD để thực hiện mục tiêu này. Trong đó 150 triệu USD để hiện đại hóa các nhà máy xay xát, 200 triệu USD để mua lúa trữ.

Trong khi những doanh nghiệp Việt Nam “đơn thân- độc mã” âm thầm đầu tư vào Campuchia, Toyota Tsusho và Công ty Huay Chuan Rice đang hợp tác đầu tư chế biến sản phẩm sau gạo, bánh quy giòn xuất khẩu sang Nhật Bản. Công ty Gạo vàng Châu Á của Thái Lan, liên danh với các đối tác Nhật Bản chuẩn bị đầu tư vào lĩnh vực lúa và sản phẩm sau gạo ở Campuchia. COFCO, sở trường về chế biến lương thực và dầu ăn (Trung Quốc) cũng đã dòm ngó thị trường mới nổi này. Hiện nay COFCO có lợi thế là nguồn vốn dồi dào và những người Hoa đang điều hành dòng chảy lúa gạo từ những cánh đồng lớn vùng Battambang tới những vùng đất trồng lúa quanh biển hồ và sông Bassac.

Bài, ảnh: HOÀNG LAN

Chia sẻ bài viết