08/11/2012 - 20:51

Lợi ích từ vắc-xin phòng bệnh uốn ván

Nhiều phụ huynh chủ động tiêm ngừa vắc- xin phòng bệnh cho trẻ. 

Bệnh uốn ván từ lâu đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm giúp người dân có thể phòng tránh căn bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tử vong cao này. Tuy nhiên, thời gian qua, TP Cần Thơ vẫn còn nhiều trường hợp mắc bệnh uốn ván do chủ quan, không chủ động tiêm ngừa vắc- xin phòng và điều trị bệnh...

Sự cần thiết phòng ngừa bệnh

Chị Hà Thu Loan (ở Bình Thủy) đang mang thai đứa con đầu lòng, đến tiêm ngừa mũi thứ 2 phòng bệnh uốn ván trong thai kỳ tại trạm y tế. Chị Loan chia sẻ, qua tìm hiểu trên sách báo và nhân viên ở trạm nên chị biết được lợi ích của việc tiêm ngừa, giúp chị phòng tránh bệnh uốn ván, an toàn thai kỳ. Chị Loan cho biết thêm, sau khi sinh, chị tiếp tục tiêm ngừa phòng bệnh cho con theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Môi trường sống xung quanh chúng ta có rất nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh uốn ván. Vi trùng uốn ván tồn tại trong đường tiêu hóa của các loài động vật nhưng chưa thể gây bệnh cho người. Sau khi theo phân của động vật ra ngoài môi trường, nha bào uốn ván theo vết thương hở xâm nhập trở lại cơ thể người trở thành vi trùng uốn ván và sinh sản ra độc tố. Điều kiện yếm khí thúc đẩy vi khuẩn phát triển, vì thế, những vết thương hở do đạp phải đinh, sắt thép gỉ, vết thương bẩn do tiếp xúc với bùn đất, tai nạn giao thông, có nhiều nguy cơ tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván phát triển. Độc tố uốn ván xâm nhập vào các sợi thần kinh ngoại vi của hệ thần kinh trung ương, ức chế sự giải phóng các chất ức chế thần kinh gây nên các triệu chứng co cứng cơ, co giật do tăng trương lực cơ, liệt cứng và bệnh nhân có thể chết do suy hô hấp. Do đó, trong những cuộc phẫu thuật, mặc dù dụng cụ đã được chuẩn bị vô trùng chu đáo nhưng bác sĩ vẫn phải chỉ định tiêm ngừa uốn ván cho bệnh nhân.

Đối tượng tiêm ngừa vắc-xin uốn ván miễn phí theo Chương trình tiêm chủng mở rộng là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 35 tuổi), phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ từ 1 đến 5 tuổi. Đây là những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh uốn ván. Khi sinh nở, sản phụ phải cắt cuống rốn em bé, tầng sinh môn, khâu vết thương sinh mổ,...

Mới đây, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo về tập huấn kiến thức tiêm ngừa một số vắc- xin phòng bệnh phổ biến, trong đó, có bệnh uốn ván, nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tiêm ngừa dịch vụ tại cộng đồng cho các cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện trong thành phố. Tại hội thảo, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho rằng chương trình tiêm chủng mở rộng tại cộng đồng đã được thực hiện khá lâu và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hội thảo hướng đến đẩy mạnh mở rộng dịch vụ tiêm ngừa vắc- xin phòng bệnh chủ động, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Những điều cần lưu ý

Thực tế cho thấy, ngày nay, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc phòng bệnh uốn ván. Y sĩ Nguyễn Thị Lành, cán bộ phụ trách chương trình tiêm chủng, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phong Điền, cho biết: "Khách hàng đến tiêm ngừa dịch vụ vắc-xin phòng bệnh uốn ván trong các trường hợp sau: Đạp đinh, đứt tay, chân, tai nạn giao thông,... Tùy theo tình trạng vết thương, cán bộ y tế tiêm ngừa vắc-xin uốn ván hay phải kết hợp với tiêm huyết thanh kháng uốn ván. Khi bị thương, tiêm ngừa càng sớm thì càng phát huy hiệu quả phòng bệnh. Sau hai tuần tiêm ngừa, kháng thể mới được tạo ra". Mọi người cần lưu ý rằng, trong nước bọt của động vật cũng có thể có vi trùng uốn ván. Do đó, nếu bị động vật cắn, ngoài việc tiêm phòng bệnh dại, người bệnh cần được tiêm phòng bệnh uốn ván. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phong Điền, từ đầu năm đến tháng 10-2012, người dân trong huyện tiêm khoảng 1.350 liều vắc-xin uốn ván (20.000 đồng/liều). Theo khuyến cáo của cán bộ y tế, người dân nên chủ động tiêm ngừa uốn ván khi bị thương, vừa có thể phòng bệnh kịp thời, vừa tiết kiệm chi phí điều trị, hạn chế nguy cơ dẫn đến tử vong.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và thai phụ chưa chủng ngừa uốn ván thì phải tiêm 2 liều vắc-xin uốn ván liên tiếp, cách nhau ít nhất 4 tuần. Đối với thai phụ, liều đầu tiên phải tiêm trước ngày dự sinh ít nhất 90 ngày và liều thứ hai phải tiêm trước ngày dự sinh ít nhất 2 tuần, mới đạt được hiệu quả bảo vệ. Đối với người dân chủ động tiêm ngừa phòng bệnh uốn ván thì phác đồ chủng ngừa cơ bản là 2 liều liên tiếp, cách nhau từ 1 đến 2 tháng; tiêm nhắc lại 6 đến 12 tháng, sau mũi tiêm thứ hai; tiêm nhắc lại 10 năm, sau khi hoàn tất đợt chủng ngừa cơ bản; sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, nếu bị thương, vẫn phải tiêm vắc-xin phòng bệnh, mặc dù đã tiêm ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi tiêm ngừa, cán bộ y tế phải chuẩn bị đề phòng trường hợp chống sốc và lưu ý rằng, nếu phác đồ điều trị yêu cầu phải tiêm vắc-xin uốn ván và huyết thanh kháng uốn ván cùng một lúc, thì phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở các vị trí khác nhau.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cũng lưu ý, cán bộ y tế cần khuyến cáo mọi người điều trị chống nhiễm khuẩn, sau khi tiêm ngừa.

Bài, ảnh: MINH THI

Chia sẻ bài viết