17/07/2011 - 10:10

Lợi bất cập hại ?

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chính thức phủ nhận thông tin của báo Guardian (Anh) mới đây cho rằng CIA từng tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin miễn phí ngừa viêm gan siêu vi B tại thị trấn Abbottabad, miền Bắc Pakistan, để lợi dụng cơ hội đó tìm dấu vết sự hiện diện của trùm khủng bố Osama bin Laden trước khi tiến hành chiến dịch tấn công tiêu diệt nhân vật này hồi tháng 5 năm nay. Theo Guardian, CIA đã chọn vị bác sĩ có thâm niên người Pakistan Shakil Afridi và cung cấp tài chính, vắc-xin triển khai chiến dịch tiêm ngừa tại đây để tiếp cận nơi trú ẩn của bin Laden và tìm cách lấy ADN từ con của y, rồi đem so sánh với mẫu ADN của người em gái của y đã chết tại Mỹ năm 2010.

Tuy nhiên, tổ chức Bác sĩ không biên giới có lẽ vẫn tin CIA đã thực hiện trò lừa đảo tinh vi trên và cho rằng điều này gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các chương trình tiêm vắc-xin hữu ích khác của phương Tây tại Pakistan nói riêng và trên thế giới nói chung. Cách đây 8 năm, tại Nigeria từng xảy ra tin đồn phương Tây âm mưu dùng các chương trình tiêm vắc-xin miễn phí để gây vô sinh và truyền virus HIV chống lại người Hồi giáo, khiến các tín đồ đạo Hồi ở nhiều nơi mất lòng tin và từ chối đưa con em họ đến tiêm ngừa các loại bệnh nguy hiểm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và các cơ quan y tế quốc tế phải mất nhiều năm để lấy lại sự tin cậy của họ.

Lần này, các chuyên gia y tế cho rằng nếu quả thật đây là “cú lừa” của CIA thì không chỉ làm uy tín của các chương trình y tế nhân đạo của Mỹ, nhất là của Quỹ Bill và Melinda Gates, sẽ bị suy giảm, mà còn ảnh hưởng đến các chiến dịch quốc tế khác tại các nước Hồi giáo vốn không thân thiện với phương Tây. Một sự nghi kỵ như vậy có thể khiến hàng triệu trẻ em nghèo đối mặt với những dịch bệnh không đáng có.

PHÚC GIA AN
(Theo Guardian, WP, Le Figaro)

PHÚC GIA AN (Theo Guardian, WP, Le Figaro)

Chia sẻ bài viết