11/08/2020 - 10:34

Lo cho đầu ra sản phẩm thủy sản! 

Đầu năm 2020 đến nay, việc phát triển nuôi trồng nhiều loại thủy sản gặp khó khăn do giá cả đầu ra bấp bênh, người nuôi bị thua lỗ nặng...

Thu hoạch cá tra tại một hộ dân ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

 

Giá ở mức thấp

Cá tra là loại thủy sản nuôi chủ lực tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, người nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn do giá cá tra đã giảm sâu dưới mức giá thành sản xuất liên tục nhiều tháng qua. Hiện giá cá tra thịt trắng được nông dân bán cho doanh nghiệp chỉ ở mức 17.000-18.200 đồng/kg, người nuôi đang chịu lỗ ít nhất từ 5.000-6.000 đồng/kg cá tra thương phẩm.

Từ đầu năm đến nay, giá cá tra hầu như chỉ ở mức từ 17.000-19.000 đồng/kg, trong khi những năm trước giá cá tra có thời điểm lên đến 35.000 đồng/kg. Ông Hà Văn Tâm ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết: “Tôi đành tạm thời nghỉ nuôi vì giá cá tra giảm thấp kéo dài, càng nuôi càng lỗ. Trong khi những năm trước, tôi thường xuyên duy trì nuôi 30 bè cá tra...”. Nếu các năm trước, giá bán lẻ cá tra trên thị trường lên đến 55.000-60.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 30.000-40.000 đồng/kg.

Ðầu năm đến nay, giá cả đầu ra nhiều loại cá nuôi nước ngọt khác cũng không ổn định và có chiều hướng giảm thấp so với cùng kỳ các năm trước. Cá lóc nuôi được nông dân bán cho thương lái chỉ 29.000-31.000 đồng/kg, trong khi năm trước có giá lên đến 38.000-40.000 đồng/kg. Cá thát lát tại nhiều nơi đang có giá 47.000-49.000 đồng/kg, trước đây là 65.000-70.000 đồng/kg. Cá rô cũng ở mức khá thấp, chỉ từ 21.000-24.000 đồng/kg; còn cá rô phi ở mức 29.000-31.000 đồng/kg; cá điêu hồng 30.000-34.000 đồng/kg… Giá nhiều loại thủy sản nuôi nước ngọt giảm, đầu ra gặp khó so với các năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là các loại cá phục vụ chế biến xuất khẩu.

Do giá cả đầu ra thấp, người nuôi khó kiếm lời nên diện tích nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản khác trên địa bàn TP Cần Thơ có xu hướng giảm so với năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tổng diện tích nuôi thủy sản tại thành phố trong 6 tháng đầu năm là 3.183ha, bằng 98% so với cùng kỳ, đạt 39% kế hoạch, trong đó đã thu hoạch 1.244ha, với sản lượng 72.955 tấn, bằng 96% so với cùng kỳ, đạt 37% kế hoạch năm. Trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt khoảng 564ha, bằng 96% so với cùng kỳ, đạt 76% so với kế hoạch.

Cần vận dụng nhiều giải pháp

Ðể đảm bảo hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, gần đây người dân buộc phải cân nhắc, thận trọng đầu tư phát triển các mô hình nuôi thủy sản nhằm hạn chế rủi ro. Theo đó, nhiều người ưu tiên phát triển nuôi các đối tượng thủy sản đang có đầu ra tốt. Chú ý phát triển các mô hình nuôi thủy sản ít tốn chi phí như: nuôi cá quảng canh trong ao, nuôi thả ruộng, nuôi vèo trên sông… tận dụng các nguồn thức ăn trong tự nhiên và thức ăn tự chế.

Anh Ðặng Thanh Hòa, ngụ ấp Thới Hiệp 2, xã Ðông Thắng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Gia đình vừa mua 35kg giống cá chép và cá mè để thả nuôi trên ruộng lúa nhằm chuẩn bị đón lũ. Nuôi cá theo mô hình này không phải tốn tiền mua thức ăn vì có thể tận dụng phù du, lúa chét và các nguồn thức ăn trong tự nhiên làm mồi cho cá nên khá nhẹ chi phí, ít lo chuyện bị thua lỗ. Dù vậy, tôi kỳ vọng giá cả đầu ra sản phẩm tốt, cần có các đơn vị, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm phát triển sản xuất”.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đã phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến và món ăn ngon từ con cá tra. Đến nay, ngoài cá tra tươi sống, cá tra phi lê đông lạnh và chả cá tra, nhiều cơ sở và doanh nghiệp tại TP Cần Thơ cũng cho ra đời các loại mắm và khô cá tra như phi lê sấy khô, khô tẩm sấy ăn liền… Theo ông Chương Văn Khanh ở khu vực Trường Thọ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, mỗi tháng cơ sở chế biến của ông thu mua trên 1 tấn cá tra để làm khô và mắm. Thông thường, để làm 1kg mắm cá tra cần khoảng 4kg cá tươi, còn làm 1kg khô cá tra cần khoảng 6kg cá tươi.

Theo anh Phan Thanh Cường ở ấp Thanh Nhung, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, trước đây người dân phát triển nuôi cá ruộng trong vụ thu đông, nhưng nay nhiều hộ đã nghỉ nuôi vì sợ lũ nhỏ, cá nuôi chậm lớn, giá cá ở mức thấp, khó tiêu thụ. Do vậy, để người dân an tâm phát triển nuôi cá ruộng và các mô hình nuôi thủy sản nói chung, ngành chức năng cần quan tâm hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ, kết nối nông dân với các nhà tiêu thụ để giúp ổn định đầu ra sản phẩm.

Những năm qua, người dân đã phát triển ngày càng đa dạng nhiều loại thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và có điều kiện nâng cao thu nhập cho nông hộ. Bên cạnh đối tượng nuôi chủ lực là con cá tra phục vụ xuất khẩu, người dân trên địa bàn thành phố cũng đã nuôi được hầu hết các loại thủy sản nước ngọt đặc hữu có giá trị kinh tế cao. Ngành chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp xây dựng các vùng nuôi thủy sản chất lượng cao, an toàn nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa đáp ứng tốt các yêu cầu của người tiêu dùng. Ðến nay, thành phố có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, BMP, BAP… đạt hơn 289ha, trong đó có hơn 275ha đạt VietGAP. Ðây là những điều kiện rất thuận lợi để thành phố mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, đưa hàng vào bán tại các siêu thị và kênh bán hàng hiện đại.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều hộ dân và doanh nghiệp nuôi cá tra nỗ lực duy trì sản xuất và hy vọng giá cả đầu ra con cá tra sớm cải thiện khi xuất khẩu tăng trở lại. Người nuôi cá tra đang phải áp dụng các giải pháp như: thả nuôi cá với mật độ thưa, giảm lượng thức ăn... nhằm kéo dài thời gian nuôi và hạn chế thua lỗ. Trong bối cảnh đó, họ rất cần ngành chức năng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa để giải quyết đầu ra đối với lượng cá tra tới lứa xuất bán. Ðồng thời mong muốn người tiêu dùng trong nước dùng các sản phẩm cá tra của Việt Nam. Thay vì ăn thịt heo hay các loại thủy hải sản nhập khẩu, người tiêu dùng hãy ủng hộ các sản phẩm thủy sản do nông dân nuôi trồng.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết