16/08/2019 - 14:34

Liệu thực phẩm có thể thay thế dược phẩm? 

Mỗi loại đồ ăn, thức uống chúng ta dung nạp hàng ngày đều có những ảnh hưởng nhất định lên cơ thể. Trong đó, lợi ích của chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh đối với điều trị một số bệnh đã được chứng minh, nhưng các chuyên gia cũng khẳng định không phải mọi căn bệnh đều được ngăn chặn hoặc chữa khỏi chỉ bằng việc dựa trên chế độ ăn. Để làm rõ, giới chuyên môn đã tìm hiểu và giải thích tác dụng của thực phẩm ở khía cạnh chữa bệnh.

Chế độ ăn lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe nhưng không thể thay thế thuốc trong điều trị bệnh. Ảnh: Healthline

Chế độ ăn lành mạnh giúp bảo vệ sức khỏe nhưng không thể thay thế thuốc trong điều trị bệnh. Ảnh: Healthline

Thực phẩm không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu từ thực phẩm là phương pháp đơn giản và cần thiết để tăng cường sức khỏe, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Ngoài vitamin và khoáng chất, sự kết hợp giữa các hợp chất có lợi chẳng hạn như chất chống ôxy hóa, chất xơ, đạm và chất béo lành mạnh là chìa khóa đảm bảo duy trì các chức năng tối ưu của cơ thể.

Theo số liệu gần đây của Liên Hiệp Quốc, cứ 5 trường hợp tử vong trên thế giới thì có một ca do ăn uống không lành mạnh. Trong đó, khẩu phần gồm nhiều đồ uống có đường, thức ăn nhanh và ngũ cốc tinh chế là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về tim, tiểu đường và béo phì. Một nghiên cứu trên hơn 100.000 người còn cho thấy cứ tiêu thụ thêm 10% thực phẩm chế biến thì nguy cơ ung thư tăng thêm 12%. Ngoài ra, nghiên cứu khác về tỷ lệ tử vong và bệnh tật trên toàn thế giới phát hiện chế độ ăn uống kém là nguyên nhân cướp đi sinh mạng 11 triệu người trên toàn thế giới trong năm 2017.

Chế độ dinh dưỡng giúp chống lại bệnh tật

Nếu thực phẩm không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, việc duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ cung cấp năng lượng cần thiết mỗi ngày mà từ lâu còn được chứng minh giúp ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị thậm chí đẩy lùi nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch. Đơn cử như chế độ ăn Địa Trung Hải vốn được coi là một trong những chế độ ăn uống lành mạnh nhất, với vô số nghiên cứu cho thấy nó tốt cho tim, làm giảm nguy cơ thoái hóa thần kinh, bệnh tiểu đường, ung thư và béo phì. Mô hình ăn uống giàu chất béo lành mạnh, cá, ngũ cốc nguyên hạt và rau quả trong chế độ ăn Địa Trung Hải còn giúp tăng tuổi thọ và tốt cho người bị trầm cảm hơn so với chế độ ăn điển hình của phương Tây.

Ngoài ra, một số chế độ ăn kiêng cũng giúp ngăn ngừa hoặc đảo ngược sự tiến triển của nhiều căn bệnh như chế độ ăn uống chỉ chứa thực vật (plant-based diet) hay ăn chay giúp chữa bệnh động mạch vành; trong khi chế độ ăn hạn chế tiêu thụ chất bột đường (low-carb diet) giúp bệnh nhân kiểm soát tốt bệnh tiểu đường tuýp 2.  

Thực phẩm chưa thể thay thế hoàn toàn cho thuốc

Những phát hiện trên cho thấy chúng ta có thể nghiêm túc xem xét việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh như phương pháp phòng ngừa, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống. Song điều này không có nghĩa chúng ta có thể sử dụng thực phẩm để thay thế hoàn toàn cho thuốc vốn được phát triển để cứu sống và điều trị bệnh. Nói cách khác, chế độ ăn uống kém góp phần hoặc gây ra bệnh, bên cạnh nhiều yếu tố nguy cơ khác như di truyền, tuổi tác, căng thẳng, viêm nhiễm, môi trường ô nhiễm, đặc thù nghề nghiệp. Tuy nhiên, thực phẩm không thể bù đắp những tổn hại sức khỏe do lối sống kém lành mạnh (như ì vận động, hút thuốc, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn) hoặc những yếu tố liên quan sự phát triển của bệnh. 

Chúng ta phải hiểu rõ chế độ ăn uống không thể và không nên được coi như phương pháp thay thế dược phẩm. Tuy có bằng chứng khoa học cho thấy thực phẩm giúp hỗ trợ nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau thậm chí chống lại bệnh tật nhưng những tuyên bố về việc chữa khỏi hoặc điều trị bệnh chỉ bằng chế độ ăn uống mà bỏ qua các can thiệp y khoa là không chính xác. Trong nhiều trường hợp như ung thư, quan điểm này không chỉ nguy hiểm mà có thể dẫn đến tử vong. 

“Siêu thực phẩm” cho sức khỏe là gì?

Một trong những khái niệm phổ biến trên thế giới về chế độ ăn khoa học với đầy đủ dinh dưỡng giúp sống khỏe hiện nay là thực phẩm toàn phần (whole food), tức là thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến ít nhất có thể. Xu hướng này tập trung vào các loại thực phẩm điển hình như quả mọng (dâu tây, anh đào, việt quất, mâm xôi…), các loại rau họ cải, nấm và cá béo. Nhiều nghiên cứu phát hiện hàm lượng cao chất dinh dưỡng, hợp chất thực vật cùng các loại axít béo lành mạnh trong “siêu thực phẩm” kể trên giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước các bệnh mãn tính như tim mạch và thậm chí là một số bệnh ung thư.

Ngoài ra, nhiều loại gia vị (củ nghệ, gừng, quế) cũng giúp ích trong điều trị viêm khớp và hội chứng chuyển hóa, một số loại thảo mộc (rau mùi tây, rau kinh giới, hương thảo và cây xô thơm) không chỉ tăng hương vị món ăn mà còn có lợi cho sức khỏe. Các loại quả, hạt khô (óc chó, hạnh nhân, hạt chia), trái bơ, dầu ô liu, mật ong, rong biển, thực phẩm lên men và trà xanh cũng thuộc nhóm thực phẩm có đặc tính hỗ trợ điều trị cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Healthline)

Chia sẻ bài viết