23/06/2019 - 07:47

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ và Iran tránh leo thang căng thẳng 

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ và Iran tránh leo thang căng thẳng. 

Phát biểu với báo giới ngày 21-6, người phát ngôn TTK LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết thông điệp của TTK LHQ gửi tới các bên liên quan là tránh làm bất kỳ điều gì có thể làm gia tăng căng thẳng. TTK LHQ cho rằng đối thoại giữa các bên liên quan là cách tốt nhất để giảm căng thẳng và tránh bất kỳ sự leo thang nào. Hiện TTK Guterres đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đã liên lạc với các bên ở nhiều cấp độ.

Tàu cao tốc của Iran hoạt động trên Eo biển Hormuz. Ảnh: AFP

Lãnh đạo các nước châu Âu cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh đối đầu. Phát biểu bế mạc hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các bên kiềm chế tránh đẩy căng thẳng tiếp tục leo thang. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nước châu Âu quan ngại về tình hình hiện nay tại Trung Đông và vẫn đang hy vọng các bên có thể tìm ra một giải pháp chính trị. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi các bên duy trì đối thoại.

Trong khi đó, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới, trong đó có British Airways, Qantas và Singapore Airlines, hôm 21-6 đã tạm dừng khai thác các chuyến bay qua Eo biển Hormuz trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ.

British Airways cho biết hãng sẽ tuân thủ hướng dẫn của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) để tránh các khu vực không phận Iran, và các chuyến bay của hãng sẽ tiếp tục hoạt động bằng cách sử dụng các tuyến đường bay thay thế. Theo người phát ngôn của British Airways, đội an toàn và an ninh của hãng liên tục liên lạc với giới chức trên toàn thế giới như một phần trong kế hoạch đánh giá rủi ro toàn diện đối với mỗi tuyến đường bay mà hãng hoạt động.

Các quyết định trên được đưa ra sau khi FAA công bố một quy định khẩn cấp, theo đó cấm các hãng hàng không của Mỹ thực hiện các chuyến bay qua không phận do Tehran kiểm soát ở Eo biển Hormuz và Vịnh Oman “cho đến khi có thông báo tiếp theo”. Thông báo của FAA nêu lý do “các hoạt động quân sự gia tăng và căng thẳng chính trị leo thang trong khu vực, đặt ra nguy cơ đối với các hoạt động hàng không dân dụng Mỹ và khả năng xảy ra tình trạng tính toán sai hoặc xác định nhầm mục tiêu”.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã rút lại kế hoạch không kích nhằm vào Iran vì đó có thể là sự đáp trả không tương xứng với việc Iran bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ. Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump viết: “10 phút trước khi diễn ra cuộc không kích, tôi đã ra lệnh dừng lại, vì không cân xứng với vụ bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Tôi không vội, quân đội của chúng tôi đã được củng cố, tăng cường và sẵn sàng chiến đấu, với vị thế hùng mạnh nhất thế giới”.

Chỉ huy đơn vị phòng không thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh thì cho biết, một máy bay do thám của Mỹ đã xuất hiện gần chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ. Phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Tehran, Chuẩn tướng Amirali Hajizadeh cho biết, trong thời điểm chiếc máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk bị bắn hạ, một máy bay do thám khác của Mỹ có tên gọi là P8 đã xuất hiện và có cả phi hành đoàn. Tuy nhiên, Tehran đã không lựa chọn phương án tấn công chiếc máy bay này, mà chỉ nhắm đến chiếc máy bay không người lái.

TTXVN

Chia sẻ bài viết