07/04/2019 - 07:25

Libya đối diện với thảm họa chiến tranh mới 

Lực lượng vũ trang tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) từ miền Ðông do tướng Khalifa Haftar (ảnh) dẫn đầu đã bắt đầu chiến dịch đánh chiếm Thủ đô Tripoli thuộc miền Tây, giữa lúc Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres lần đầu tiên thân chinh đến Libya xúc tiến hội nghị hòa bình cho nước này, dự kiến diễn ra từ ngày 14 đến 16-4 tới.

Chiến dịch quân sự của LNA nổ ra ngày 4-4. Lực lượng này cho hay đã chiếm được vài thị trấn ngoại ô Tripoli, bao gồm thị trấn Aziziya gần nhất, cách Tripoli 40km về phía Tây Nam. Đặc biệt, binh sĩ của ông Haftar chiếm thị trấn Gharyan, cách Tripoli khoảng 50km về phía Nam, mà không vấp phải sự kháng cự nào.  LNA cũng thông báo đã kiểm soát được sân bay quốc tế Tripoli cũ, nơi đã bị phá hủy trong cuộc xung đột năm 2014. Tuy nhiên, lực lượng của tướng Haftar đã bị đẩy lùi ở nhiều địa điểm trước sự đáp trả quyết liệt của dân quân miền Tây. Đặc biệt, đã có 5 tay súng LNA thiệt mạng và 145 chiến binh khác bị bắt.

Hai thế lực vũ trang không chính thức

Hiện nay tại Libya, có hai chính phủ song song chia nhau kiểm soát miền Tây và miền Đông. Chính phủ ở miền Tây với thủ đô là Tripoli được LHQ công nhận và chính quyền tự xưng ở miền Đông với trung tâm hành chính là thành phố Benghazi.

Chính quyền ở miền Tây không có quân đội riêng, mà chỉ có các nhóm dân quân lo đảm bảo an ninh. Trong đó, các nhóm dân quân mạnh nhất đóng tại hai thành phố Zawiya và Misrata. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Tripoli. Các nhóm dân quân ở Zawiya và Misrata đã thể hiện sức mạnh vượt trội của mình ở miền Tây khi giữ vai trò quyết định trong cuộc chiến chống các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện diện tại đây năm 2016. Chính phủ đoàn kết dân tộc ở miền Tây do ông Fayeaz al-Sarraj lãnh đạo. Ông al-Sarraj, 59 tuổi, xuất thân từ một gia đình kinh doanh giàu có.

Trong khi đó, LNA là lực lượng được đánh giá mạnh nhất tại Libya hiện nay và đang hậu thuẫn cho chính quyền Benghazi. LNA được thành lập năm 2011, quy tụ hàng trăm ngàn tay súng với nhiều thành phần, bao gồm những người từng tham gia chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Binh sĩ Pháp từng hỗ trợ huấn luyện cho LNA. Năm 2014, Tướng Haftar còn chiêu mộ các cựu binh thời Gaddafi gia nhập LNA và bắt đầu cuộc chiến kéo dài 3 năm kiểm soát thành phố Benghazi. Đầu năm nay, LNA đã chiếm luôn phần lớn khu vực miền Nam Libya giàu dầu mỏ. Ông Haftar, hiện đã 75 tuổi, được coi là vị tướng trung thành của nhà lãnh đạo Gaddafi. Phe chống đối coi tướng Haftar là một Gaddafi mới. Tuy nhiên, ông Haftar nhận được sự ủng hộ của nhiều nước như Nga, Pháp, Ai Cập, Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE)... Theo tờ The Economist, Nga đã bán vũ khí cho tướng Hafter, người từng đến Mát-xcơ-va gặp Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Pháp thì tin rằng tướng Haftar là người có khả năng khuất phục các nhóm dân quân ở Libya. Ai Cập và UAE đánh giá tốt quan điểm chống Hồi giáo cực đoan của ông Haftar và hai nưới này thậm chí đã “tài trợ” chiến đấu cơ, trực thăng cho LNA. Các nước láng giềng như Chad và Sudan có thể góp quân tham gia LNA. Cùng với các máy bay quân sự từ thời Gaddafi, LNA có lực lượng không quân, dù khiêm tốn nhưng đủ chiếm ưu thế chiến trận trước các nhóm dân quân ở miền Tây.

 Tướng Haftar sẽ thống nhất Libya?

Tướng Haftar xua quân tấn công Tripoli khi Tổng Thư ký LHQ Guterres đang có mặt tại Libya để xúc tiến cho hội nghị hòa bình được đánh giá là cơ hội cuối cùng giúp nước này tổ chức bầu cử  và chấm dứt chia cắt đất nước. Sau khi đến Tripoli, ông Guterres thăm Benghazi ngày 5-4 và có cuộc gặp với tướng Haftar. Phát biểu trước báo giới ở sân bay khi chuẩn bị rời Benghazi và viết trên trang mạng xã hội Twitter, ông Guterres đều bày tỏ: “Tôi rời khỏi Libya với trái tim nặng nề và quan ngại sâu sắc. Tôi vẫn hy vọng có thể tránh một cuộc đối đầu đẫm máu ở bên trong và xung quanh Tripoli”. Tướng Haftar rõ ràng đã nói với ông Guterres về sự quyết tâm của mình trong chiến dịch “chống khủng bố” đến cùng giải phóng Tripoli và thống nhất đất nước.

Chiến dịch của tướng Haftar ngay lập tức gây phản ứng của dư luận quốc tế. Trong cuộc họp kín ngày 5-4, Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự gần Thủ đô Tripoli, cũng như cảnh báo chiến dịch quân sự đang được phát động có thể đe dọa tới tình hình ổn định ở Libya. Cùng ngày, ngoại trưởng Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra thông báo đề nghị dừng ngay lập tức “tất cả các hoạt động quân sự hướng về Thủ đô Tripoli”.  Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi hối thúc tất cả các bên liên quan ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự hướng về Thủ đô Tripoli, vốn có thể đe dọa tới các triển vọng trong tiến trình chính trị được LHQ ủng hộ, khiến cuộc sống của thường dân bị đe dọa. Chúng tôi cũng nhất trí cho rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Libya, đồng thời phản đối mọi hành động quân sự ở nước này”. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là thông báo không đề cập trực tiếp tới tướng Haftar mà chỉ nói chung “tất cả các bên”.

Về phần mình,  người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga hy vọng cuộc khủng hoảng ở Libya sẽ không dẫn đến “thảm họa đẫm máu mới”. Ông cũng khẳng định thế giới “cần phải tiếp tục mọi nỗ lực có thể nhằm giải quyết triệt để tình hình bằng các biện pháp chính trị hòa bình.” Theo ông, Nga đang theo dõi tình hình Libya một cách "vô cùng cẩn trọng". Khi được hỏi liệu Nga có cân nhắc hậu thuẫn quân sự cho tướng Haftar hay không, ông Peskov trả lời: “Không, Mát-xcơ-va không tham gia vào việc này theo bất kỳ cách thức nào”. Bộ Ngoại giao Nga sau đó ra tuyên bố hối thúc “tất cả các bên liên quan ở Libya bình tĩnh và kiềm chế”.

 Miền Tây Libya có hàng chục nhóm dân quân ra đời sau chế độ Gaddafi sụp đổ năm 2011. Với thực lực của các nhóm dân quân này hiện nay và sức mạnh vượt trội của LNA, hãng tin Reuters cảnh báo cuộc xung đột quân sự lần này có thể còn tồi tệ hơn kể từ sau cuộc chiến năm 2011 lật đổ Gaddafi.

ÐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết