18/09/2013 - 13:16

LHQ xác nhận vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syrie

Trưởng nhóm thanh sát viên Ake Sellstrom trao báo cáo cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (phải) hôm 15-9.
Ảnh: AFP

Trong báo cáo về vũ khí hóa học ở Syrie được công bố hôm 16-9, nhóm thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) xác nhận khí độc sarin đã được sử dụng trong vụ tấn công ở ngoại ô Thủ đô Damas cuối tháng rồi. Theo sau báo cáo trên là những phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế.

Khí sarin đã được sử dụng

Báo cáo của LHQ không xác định thủ phạm thực hiện vụ tấn công hôm 21-8 ở Syrie bởi điều này không nằm trong sứ mệnh của nhóm thanh sát viên. Thay vào đó, báo cáo cho rằng: "Những mẫu y tế, hóa học và môi trường được thu thập tại hiện trường đã cung cấp những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục cho thấy tên lửa đất đối đất chứa khí sarin đã được sử dụng tại thị trấn Ghouta thuộc ngoại ô Thủ đô Damas".

Không đề cập đến số người thiệt mạng của vụ tấn công khí độc, báo cáo có đoạn nhấn mạnh "vũ khí hóa học đã được sử dụng chống lại dân thường, gồm nhiều trẻ em trên quy mô tương đối lớn". Mỹ trước đó cho rằng có hơn 1.400 người chết, trong khi các các tổ chức khác chỉ đưa ra con số hàng trăm.

Phản ứng của quốc tế

Phát biểu sau cuộc họp tại Hội đồng Bảo an, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ tấn công khí độc ở Syrie là "tội ác chiến tranh", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm xác định thủ phạm gây ra vụ việc cũng như đảm bảo vũ khí hóa học sẽ không bao giờ trở thành công cụ chiến tranh một lần nữa.

Dù báo cáo của LHQ không nói ai đứng đằng sau vụ tấn công khí độc, song Anh, Pháp và Mỹ đều chỉ tay về phía chính quyền Bashar al-Assad. Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power khẳng định: "Những chi tiết kỹ thuật về quả rốc-két trong báo cáo đã nói rõ rằng chỉ có chính quyền Assad mới có thể thực hiện vụ tấn công khí độc hồi tháng rồi". Đại sứ Anh và Pháp tại LHQ cũng lên tiếng đổ trách nhiệm cho quân đội Syrie.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho rằng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy quân đội Syrie đứng sau vụ tấn công bằng khí sarin, do vậy phương Tây không nên vội vàng đưa ra kết luận. Theo ông Churkin, các nghi vấn và mọi yếu tố "cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp". Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết họ sẽ xem xét cẩn thận báo cáo điều tra của LHQ về vụ tấn công khí độc ở Syrie.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Syrie cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước

Quân đội Syrie ngày 16-9 chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ hành động vội vàng khi bắn hạ một trực thăng của Syrie trong lúc chiếc máy bay này "lượn nhầm" vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ làm 2 phi công thiệt mạng, đồng thời cáo buộc Ankara cố tình làm gia tăng căng thẳng tại khu vực dọc biên giới giữa hai nước.

Trước đó, quân đội Syrie cho biết chiếc trực thăng MI-17 của họ chiều 16-9 bị mất tích khi thực hiện nhiệm vụ giám sát các âm mưu thâm nhập lãnh thổ tại khu vực Yunusieh giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ.


Trưởng nhóm thanh sát viên Ake Sellstrom trao báo cáo cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (phải) hôm 15-9. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết