21/09/2021 - 07:11

LHQ trong sứ mạng chống đại dịch và biến đổi khí hậu 

Bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành, hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới vẫn trực tiếp tham dự tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) khóa 76 khai mạc ngày 21-9 tại thành phố New York (Mỹ) để thảo luận các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, đặc  biệt là đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Quang cảnh cuộc họp Đại hội đồng LHQ năm 2019. Ảnh: Reuters

Quang cảnh cuộc họp Đại hội đồng LHQ năm 2019. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, do dịch bệnh bùng phát dữ dội tại Mỹ nên hội nghị cấp cao LHQ lần đầu tiên diễn ra theo hình thức trực tuyến. Năm nay có khoảng 1/3 thành viên LHQ dự họp trực tuyến. Trong số các nguyên thủ tham dự trực tiếp kỳ họp năm nay có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nhà vua Jordan Abdullah II, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc; cùng với Thủ tướng các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Israel và nhiều phó thủ tướng, bộ trưởng các nước.

Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ có bài phát biểu đầu tiên tại LHQ trong ngày khai mạc 21-9 và ông chỉ ở New York khoảng 24 tiếng. Sau đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến từ thủ đô Washington vào ngày 22-9 nhằm thúc đẩy việc phân phối vaccine trên toàn cầu.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới phải tập trung chống đại dịch, kẻ thù chung của loài người, cần tăng tốc chiến đấu với dịch hiệu quả hơn bằng cách cung cấp vaccine, thiết bị y tế và phác đồ điều trị cho tất cả mọi người trên toàn cầu. Ông cũng khẳng định mong muốn các nước hãy cam kết và giữ cam kết với những mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được đưa ra tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland) sắp tới.

Người đứng đầu LHQ kêu gọi chấm dứt chiến tranh trên khắp hành tinh, nhất là trong thời điểm hiện nay khi thế giới có quá nhiều thách thức và chia rẽ trong nhiều lĩnh vực, nhất là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa một bộ phận những người có tất cả điều kiện vật chất tốt nhất và cộng đồng những người không có được những điều kiện sống cơ bản nhất như thức ăn, nước uống và dịch vụ y tế. Chính đói nghèo và bất bình đẳng cũng là rào cản khiến nhiều trẻ em chưa có cơ hội đến trường, chưa được phát triển kỹ năng để có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Đặc biệt, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, khoảng cách lớn giữa những người đã được tiêm chủng trong khi hàng triệu triệu người khác vẫn không thể tiếp cận vaccine COVID-19 và khoảng cách này lại do chính con người tạo ra, do chính các hệ thống kinh tế dựng lên rào cản đối với những người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất. Theo ông Guterres, chính tư tưởng muốn thống trị về chính trị là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội, gây mất lòng tin, là nguyên nhân gây ra khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới.

Tuy nhiên, những thách thức này hoàn toàn có thể hóa giải nếu các nước thành viên LHQ cùng đoàn kết hợp tác trên tinh thần của chủ nghĩa đa phương.

Vì vậy, mục tiêu của Tổng Thư ký LHQ tại kỳ họp cấp cao năm nay là thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng toàn cầu cho khoảng 70% dân số thế giới vào nửa đầu năm sau. Hiện thế giới đã tiêm 5,7 tỉ liều vaccine COVID-19 nhưng châu Phi chỉ chiếm 2%.  Ông Guterres đánh giá cao nỗ lực của Tổng thống Biden và đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm tạo ra chương trình vaccine trị giá 50 tỉ USD dành cho các nước nghèo. Người đứng đầu LHQ cũng nhắc lại rằng thế giới đang ở “thời điểm quan trọng” để chuyển sang “một thế giới xanh hơn và an toàn hơn”. 

Theo kế hoạch, khoảng 40 nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự cuộc họp kín về biến đổi khí hậu do Tổng Thư ký Guterres và Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng chủ trì trong khuôn khổ COP26 vào tháng 11. Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward cho biết cơ quan này cần huy động 100 tỉ USD để giúp các quốc gia bị tổn thương đối phó với biến đổi khí hậu, qua đó kêu gọi các quốc gia đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải. Trước đó, Báo cáo của do LHQ công bố hôm 16-9 cảnh báo rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn và với tác động xấu đi nhanh hơn so với hầu hết mô hình dự đoán trước đây. Trong 5 năm tới, có 40% khả năng thế giới có thể vượt ngưỡng nóng lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

 TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết