Báo Independent của Anh hôm qua mô tả sự lẻ loi của lãnh đạo hai nước Anh và Pháp trong cuộc họp khẩn cấp Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) nhằm bàn cách đối phó cuộc khủng hoảng ở Libye. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bác bỏ đề xuất của Anh và Pháp về việc can thiệp quân sự vào Libye.
Thông cáo từ EU nêu rõ sự thất bại của cuộc họp bàn khả năng tiến hành các cuộc không kích và thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libye, bất chấp nỗ lực vận động của Anh và Pháp khi trưng ra nhiều tài liệu do họ thu thập về tình hình Libye để chứng minh vì sao họ ủng hộ hành động như vậy. Thủ tướng Anh David Cameron nói: “Gadhafi (nhà lãnh đạo Libye) ngày càng đối xử hung bạo với người dân của ông ta. Tương lai của Libye không thể có Đại tá Gadhafi. Chúng ta (EU) cần tiếp tục kế hoạch (giải quyết vấn đề Libye)”. Tuy nhiên, Đức và nhiều quốc gia Đông Âu cho rằng “chưa đến lúc cần thiết phải can thiệp quân sự vào Libye”. Sau cuộc họp căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Tôi thấy không cần hành động quân sự. Không có cơ sở pháp lý nào cho việc áp đặt vùng cấm bay chống Libye”.
Sự lẻ loi và lạc lỏng của các lãnh đạo Anh và Pháp còn thể hiện ở việc họ công nhận phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Gadhafi là “đại diện hợp pháp” của Libye. Thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ sự ngạc nhiên và cho rằng đây không phải là sự công nhận theo luật pháp quốc tế. Bà Merkel đồng thời khẳng định Đức sẽ không ủng hộ bất cứ hành động quân sự nào nhằm lật đổ chính phủ đương nhiệm Libye. Hà Lan cũng tỏ ý không đồng tình trước việc Pháp công nhận phe đối lập Libye. Thậm chí Mỹ cũng tỏ ra rất thận trọng với động thái này. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney chỉ xác nhận Mỹ đang liên hệ trực tiếp với một số nhân vật đối lập Libye, trong đó có cả các thành viên của Hội đồng dân tộc tự xưng. Tuy nhiên, ông Carney nói rõ Nhà Trắng đang tìm hiểu một số vấn đề của hội đồng này như quan điểm, thành phần tham gia và mục tiêu đấu tranh.
Giới cầm quyền Mỹ cũng bày tỏ mối quan ngại trước việc dùng giải pháp quân sự đối với Libye, trong đó có phương án lập vùng cấm bay. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tỏ ra khá gay gắt khi tuyên bố “mọi người thật đơn giản khi nói nước Mỹ làm thế này, thế khác”, điều đó có nghĩa là chỉ mình nước Mỹ phải gánh chịu những hậu quả nếu những có điều gì xấu xảy ra. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự đồng thuận của quốc tế đối với các bước đi tiếp theo liên quan tình hình Libye, cảnh báo rằng mọi động thái đơn phương của Mỹ có thể gây ra những hậu quả không thể lường trước.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo các cường quốc thế giới không nên can thiệp vào Libye và các quốc gia châu Phi khác, đồng thời khẳng định hành động can thiệp quân sự là “không thể chấp nhận được”. Ông Lavrov cũng nói rằng việc thảo luận bất cứ đề xuất nào về một vùng cấm bay tại Libye là vội vã và chưa hề được đưa ra trước Hội đồng Bảo an LHQ. Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không bỏ phiếu cho việc thiết lập vùng cấm bay ở Libye.
NHẬT QUANG (Tổng hợp)