11/06/2020 - 05:57

Lao động nhập cư tại Trung Đông lao đao 

Trên khắp Trung Đông, cuộc khủng hoảng kép, gồm đại dịch COVID-19 và căng thẳng tài chính chưa từng có, đang khiến lực lượng lao động nhập cư vốn giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế các quốc gia giàu dầu mỏ rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và buộc phải tìm đường trở về nước.

Olido trong căn phòng chật hẹp ở Lebanon. Ảnh: Guardian

Jevie Olido và Samir Ali là hai trong số đó. Trong 14 năm làm việc ở Lebanon, 4 đứa con của Jevie Olido lớn lên mà không có sự chăm sóc của mẹ. Giờ đây, nguồn thu nhập khiến chị phải rời bỏ quê nhà Philippines cũng không còn, nó đã bị xóa sổ bởi đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế, khiến hàng ngàn lao động nhập cư phải tìm cách về quê nhà. “Tôi từng gửi tiền về quê nhưng kể từ tháng 12 năm ngoái, tôi bị mất việc và không có tiền gửi về nữa. Tôi không nghĩ là mình sẽ ở đây tận 14 năm mà chỉ nghĩ khi kết thúc hợp đồng sẽ về nhà” - Olido ngậm ngùi chia sẻ.

Ở nước láng giềng Jordan, công nhân may mặc người Ấn Độ Samir Ali cũng đang chờ được trả lương. Đại dịch đã làm tê liệt dây chuyền sản xuất trên cả nước và gây ra xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đến nay, 8 trong số 40 lao động Ấn Độ tại xưởng may này đã đăng ký trở về nước sau khi hợp đồng lao động kết thúc.

Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia Vùng Vịnh, có tỷ lệ lao động nhập cư cao nhất thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 6 quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), gồm Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman, tiếp nhận phần lớn trong số 23 triệu lao động nhập cư sống ở các quốc gia Arab, hầu hết là đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Trong đó, Saudi Arabia có khoảng 10 triệu công nhân nước ngoài, UAE 8,7 triệu người và Kuwait 2,8 triệu người.

Dù khu vực này tương đối thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, hàng chục ngàn người vẫn bị dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề, và đa số là những lao động nhập cư. Chính phủ các nước Vùng Vịnh đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá hàng trăm tỉ USD để nâng cao sinh kế của người dân nhưng lại không đưa ra bất kỳ biện pháp hỗ trợ tài chính nào dành cho lao động nhập cư.

Trong bối cảnh trên, Oman và Bahrain trong thời gian cách ly xã hội đã cho phép người lao động nhập cư về nước, khuyến khích công dân nước mình đảm nhận công việc của số lao động nhập cư này. UAE cũng cho phép lao động nhập cư hợp pháp quay về nước tránh dịch với hy vọng họ có thể quay trở lại làm việc sau khi dịch bệnh tạm lắng.

Ấn Độ đã triển khai tàu hải quân đến thành phố Dubai để rước công dân nước này và bố trí một số chuyến bay cho những công dân muốn hồi hương. Chỉ riêng tại UAE, hơn 200.000 công dân Ấn Độ đăng ký hồi hương. Đặc biệt, Kuwait đã miễn các khoản tiền phạt đối với những lao động nhập cư “chui” muốn về nước, thậm chí còn trả tiền vé máy bay cho họ và cho phép họ quay trở lại làm việc nếu muốn. Lebanon cũng nới lỏng việc hồi hương đối với khoảng 250.000 lao động nhập cư tại đây nhưng cho đến nay chỉ chưa tới 3.000 người trong số này về nước. Số còn lại vẫn phải đối mặt với tương lai ảm đạm khi mà tiền lương ngày càng sụt giảm.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, BBC)

Chia sẻ bài viết