13/02/2018 - 13:50

Lan tỏa giá trị truyền thống 

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Cần Thơ đã gặt hái nhiều thành quả nổi bật. Nhiều công trình văn hóa mới được xây nên góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa địa phương. Những giá trị nhân văn truyền thống nhờ vậy cũng được lan tỏa đến cộng đồng.

Những công trình văn hóa mới

Ngày 3-2 vừa qua, lễ kỷ niệm 142 năm ngày sinh cố soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền kết hợp khánh thành khu tưởng niệm ngay trên quê hương ông- phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, diễn ra trang nghiêm, thành kính. Công trình có tổng diện tích gần 1.300m2, kinh phí đầu tư hơn 36 tỉ đồng, với các hạng mục như cổng tam quan, nhà bia, nhà trưng bày, nhà biểu diễn cùng một số công trình phụ trợ khác. Kiến trúc đậm bản sắc truyền thống, phòng trưng bày phong phú hiện vật tái hiện được cuộc đời và sự nghiệp đồ sộ của bậc Hậu Tổ cải lương… là điều mà khách tham quan cảm nhận được.

Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy đang được đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong ảnh: Lễ Xây Chầu Đại Bội. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy đang được đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong ảnh: Lễ Xây Chầu Đại Bội. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Đặc biệt, việc di dời mộ cụ Mộc Quán và hai người vợ (tục huyền) của cụ về cùng an nghỉ trong khu tưởng niệm theo đúng nguyện vọng của gia đình khiến dư luận rất đồng tình. Ông Nguyễn Trọng Hậu, chắt nội của cụ Mộc Quán, chia sẻ: “Gia đình chúng tôi rất vui vì ông bà cố được tôn vinh xứng đáng. Công trình khu tưởng niệm quy mô, hoành tráng này thật khiến thế hệ hậu bối chúng tôi rất xúc động”. Là người có thâm niên với ngành văn hóa, bà Đoàn Thị Bích Phượng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Thốt Nốt, nói rằng: Đây là sự ghi nhận, tri ân xứng đáng của Cần Thơ với bậc Hậu Tổ của cải lương, khu tưởng niệm sẽ là động lực giúp sân khấu truyền thống và du lịch của Cần Thơ phát triển.

Trước đó, Khu di tích Chiến thắng Ông Cửu được xây dựng trên diện tích hơn 6.000m2 tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, được đưa vào sử dụng cũng khiến người dân địa phương rất vui mừng. Công trình bao gồm các hạng mục: Lễ đài trung tâm, Tượng đài và phù điêu, Nhà truyền thống, Bến tàu… do UBND quận Cái Răng làm chủ đầu tư với kinh phí gần 19 tỉ đồng. Với thiết kế thông thoáng, kiến trúc hài hòa, đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống mà còn hứa hẹn tiềm năng khai thác du lịch. Bà Trịnh Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh, nói: “Địa phương sẽ khai thác hết công năng của khu di tích trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thanh niên phường cũng đã thực hiện việc chăm sóc di tích, trồng hoa kiểng ven theo con đường dẫn về di tích… để tạo cảnh quan sạch đẹp”.

Những năm qua, việc đầu tư xây mới, trùng tu di tích lịch sử, công trình văn hóa được Cần Thơ rất quan tâm. Có thể kể đến như xây dựng mới Khu tưởng niệm đồng chí Châu Văn Liêm ở quận Ô Môn, trùng tu đình Thường Thạnh (quận Cái Răng), đình Thới An (quận Ô Môn)… Với 30 di tích đã xếp hạng (17 di tích cấp thành phố, 13 di tích cấp quốc gia), hầu hết đều được quản lý, sử dụng tốt, thu hút rất đông khách tham quan; bản đồ chỉ dẫn văn hóa ở Cần Thơ vì thế mà phong phú và đậm bản sắc hơn.

Phát huy

Lễ hội Kỳ yên Hạ điền đình Bình Thủy được tổ chức vào dịp cuối năm âm lịch vừa qua thu hút rất đông khách tham quan, lễ bái. Nhiều năm qua, địa phương và Ban quản trị đình làm rất tốt công tác bảo tồn di tích gắn với phát huy lễ hội truyền thống. Vì vậy, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy đang được Cần Thơ đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Lê Văn Mười, Phó Ban Quản trị đình Bình Thủy, nói: “Chúng tôi luôn ý thức đình Bình Thủy là niềm tự hào không chỉ của Bình Thủy mà cả thành phố. Vì vậy, việc tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi thăm đình luôn được chúng tôi chú trọng”. Hay với lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa vào tháng Giêng âm lịch hằng năm, phần lễ và hội được tổ chức với những nét văn hóa đặc sắc, góp phần tôn vinh một danh nhân đất Tây Đô cũng như thu hút du khách đến với Cần Thơ.

Có thể nói, Bình Thủy là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong năm 2017, các điểm tham quan ở Bình Thủy đón tiếp ước tính khoảng 315.000 lượt khách, trong đó khoảng 41.000 lượt khách nước ngoài (tăng trên 7.600 lượt khách so với năm 2016). Trong số này, hệ thống di tích của Bình Thủy đóng góp lớn. Bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho rằng: "Tiềm năng du lịch lễ hội và du lịch di tích ở Bình Thủy còn khá lớn. Sắp tới, quận sẽ tiếp tục kêu gọi các công ty du lịch, lữ hành mở rộng tour, tuyến ở những di tích đã được xếp hạng; đầu tư trùng tu, nâng cấp các di tích xuống cấp. “Đặc biệt, việc nâng chất lễ hội sao cho đậm đà bản sắc truyền thống nhưng phù hợp với đời sống hiện đại là vấn đề mà địa phương đặt ra qua mỗi lần tổ chức”- bà Phan Thị Nguyệt nói.

Năm 2017, các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn thành phố cùng những hoạt động phát huy như: giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường, triển lãm bộ ảnh di tích Cần Thơ…  đã thu hút gần 522.000 lượt khách, đạt 217% kế hoạch năm. Những chương trình như “Kết nối di sản”, “Tìm về di sản”, “Hành trình sinh viên đến các di tích”, Học sinh tham quan, học tập và chăm sóc di tích… đã trở thành “thương hiệu” của ngành văn hóa Cần Thơ. Ngoài ra, Ban Quản lý di tích thành phố còn thực hiện nhiều ấn phẩm giới thiệu về di tích phục vụ khách tham quan, tạo hiệu quả tốt. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích TP Cần Thơ, nói: “Để phục vụ tốt khách tham quan, hằng năm đơn vị đều tổ chức các lớp về công tác quản lý và phát huy di tích, nghiệp vụ thuyết minh…”.

* * *

Cần Thơ hôm nay bên cạnh nét văn minh, hiện đại với vị thế thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, vẫn hàm chứa những giá trị nhân văn truyền thống thông qua hệ thống di tích, di sản và lễ hội trăm năm. Sự đầu tư, chỉnh trang của địa phương đã giúp di sản Cần Thơ tiếp tục vang xa...

Ngoài Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy đang được đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngành văn hóa Cần Thơ tiếp tục thực hiện thủ tục có liên quan đến hồ sơ đề nghị xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố như Đình Thới Bình (quận Ninh Kiều), Căn cứ Lò Mo (huyện Thới Lai), Đình Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh).

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết