13/09/2012 - 21:47

Làn sóng chống Mỹ bùng phát dữ dội ở Trung Đông và Bắc Phi

Không chỉ dừng lại với việc xé quốc kỳ, đốt đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập, Libye mà làn sóng chống Mỹ xung quanh đoạn phim được cho là có nội dung phỉ báng đấng tiên tri Mohammed của người Hồi giáo đang lan rộng trên khắp khu vực, đe dọa đến sự an toàn của nhân viên ngoại giao nước này tại ít nhất 7 quốc gia khác trải dài từ Trung Đông, châu Phi đến vùng Kavkaz.

Biểu tình chống Mỹ vượt khỏi Ai Cập và Libye

Người biểu tình tấn công sứ quán Mỹ ở Thủ đô Sanaa của Yemen ngày 12-9.  Ảnh: Reuters 

Hôm 11-9, hàng ngàn người đã tuần hành, tụ tập và hô hào các khẩu hiệu chống Mỹ bên ngoài đại sứ quán nước này tại Thủ đô Cairo của Ai Cập. Sự việc lan sang Libye khi các vụ tấn công nhằm vào phái bộ ngoại giao Mỹ ở thành phố Benghazi làm đại sứ Christopher J. Stevens và 3 nhân viên ngoại giao thiệt mạng. Hiện tại, làn sóng phẫn nộ không chỉ diễn ra tại Ai Cập mà tiếp tục dâng cao khi người dân Palestine ở Dải Gaza và các quốc gia khác như Armenia, Burundi, Koweit, Sudan, Yemen và Zambia tiếp tục tổ chức biểu tình, tấn công các tòa lãnh sự của Mỹ hôm 12-9. Tại Tunisie, cảnh sát phải dùng tới hơi cay và đạn cao su để dẹp loạn dòng người biểu tình bên ngoài tòa đại sứ. Đại sứ quán Mỹ tại nước này và Algérie trong một thông báo khẩn cấp hôm 12-9 đã cảnh báo công dân Mỹ nên tránh xa các văn phòng, tòa nhà hoặc những nơi đông người vì “các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình nhưng có thể chuyển hướng và leo thang thành bạo lực”.

Không chỉ người dân, chính phủ một số nước cũng thể hiện quan điểm khi đồng loạt lên án đoạn phim trên, coi đó là sự xúc phạm nhà tiên tri Mohammed và lăng mạ sự thiêng liêng của đạo Hồi. Trích dẫn trên phương tiện truyền thông nhà nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast nhấn mạnh: “Việc Washington tiếp tục im lặng một cách có hệ thống đối với những hành động đáng khinh bỉ như vậy là lý do khiến các sự việc tương tự tiếp tục xảy ra”. Đồng thời, người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran Alaeddin Boroujerdi cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama nên lên tiếng xin lỗi cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới và có hành động ngăn chặn phát tán đoạn phim trên. Trong thông điệp đăng tải trên trang Facebook, Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi đã lên tiếng chỉ trích bộ phim và cho biết chính phủ sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ cơ quan ngoại giao cũng như quyền tự do ngôn luận và biểu tình trong hòa bình của người dân. Về phía chính quyền Afghanistan, Tổng thống Hamid Karzai cũng kịch liệt lên án đoạn phim trên.

Mỹ tăng cường lực lượng bảo vệ các cơ sở ngoại giao

Google chặn truy cập trang YouTube tại Ai Cập và Libye

Ban quản trị trang chia sẻ hình ảnh YouTube thuộc sở hữu của Google hôm 12-9 cho biết sẽ không xóa đoạn video xúc phạm đấng tiên tri Mohammed gây phẫn nộ dư luận Hồi giáo và làm trỗi dậy làn sóng chống Mỹ ở Ai Cập và Libye, nhưng sẽ chặn đường truy cập đoạn phim đó đối với người sử dụng Internet ở hai quốc gia này.  
Trong thông cáo hôm 12-9, giới chức Google đã bác bỏ ý kiến đòi gỡ bỏ đoạn phim này vì cho rằng đoạn phim trên không vi phạm các quy định của YouTube. Theo quy trình thông thường của Google, người dùng YouTube có thể “treo cờ” để đánh giá nội dung các đoạn phim. Sau đó, nhân viên của Google ở khắp nơi trên thế giới sẽ xem lại các đánh giá này. Đoạn phim xúc phạm nhà tiên tri Mohammed  đã bị treo cờ yêu cầu gỡ bỏ, nhưng đến cuối hôm 13-9 đoạn phim nói trên vẫn còn tồn tại.
N.CÁT (Theo Reuters)

Trước làn sóng chống Mỹ vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, ông Obama đã ra lệnh siết chặt an ninh các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới. Trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 12-9, Tổng thống Obama đã lên án vụ tấn công giết hại bốn nhân viên ngoại giao của Mỹ, đồng thời cam kết “đưa những hung thủ ra chịu tội trước pháp luật”. Bên cạnh đó, Washington cũng cho điều thêm 50 binh sĩ thủy quân lục chiến thuộc Hạm đội Chống Khủng bố (FAST) và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Laboon và USS McFaul đến Libye để tăng cường an ninh, đồng thời ra lệnh tất cả những cá nhân không gánh trọng trách quan trọng phải rời khỏi Libye và cảnh báo công dân Mỹ không nên du lịch đến đây trong thời gian này.

Sự việc tại Libye không những khiến Mỹ phải đối mặt với những thách thức về khả năng bùng phát tình trạng bạo lực cực đoan khắp các nước Hồi giáo trên thế giới mà còn khiến ông Obama đau đầu trước những mũi dùi từ phía đối thủ Mitt Romney thuộc đảng Cộng hòa, khi ông này lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama “quá yếu kém khi xử lý vấn đề” trong các vụ việc xảy ra ở Cairo và Benghazi.

VI VI (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết