12/08/2020 - 08:15

Làm phim thời COVID-19 

Nhiều dự án phim đình trệ hoặc phải thay đổi phương thức sản xuất bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Lệnh giãn cách xã hội vẫn còn ở một số nơi, đặc biệt là các phim trường lớn ở Hollywood, Trung Quốc, khiến nhà đầu tư thêm khó khăn...

Phim trường “Song Bird”.

Một vài tiêu chuẩn, tiêu chí đã được đặt ra cho những dự án không có nhiều đòi hỏi về không gian thật. Với những dự án này, các nhà làm phim có thể sử dụng công nghệ, không gian ảo để tiếp tục sản xuất, đổi lại kinh phí sẽ cao. Diễn viên kiêm nhà sản xuất Tom Hanks cho biết: “Khả năng một vài dự án sẽ phải sử dụng công nghệ kỹ xảo điện ảnh (CGI) hay các diễn viên lẻ trong volumes (sân khấu dựng bằng đèn nền LED) thay vì trường quay thật, nhưng nó đảm bảo về an toàn và đáp ứng các quy định về giãn cách”. Tuy nhiên, Tom Hanks chia sẻ việc làm phim vẫn gặp nhiều khó khăn, hoặc phải tạm dừng với các dự án đòi hỏi phải có tính tương tác cao, cần nhiều cảm xúc giữa các nhân vật.

Tại Los Angeles - nơi sản xuất phim hàng đầu thế giới, hiện chỉ còn khoảng 20% hoạt động sản xuất trong những tháng vừa qua. Phần lớn trong số những dự án sản xuất này là các quảng cáo nhỏ, video ca nhạc, chụp ảnh. Tương tự, San Francisco ghi nhận chỉ có 24 phim được quay từ đầu năm đến nay, trong khi cùng kỳ năm 2019 là 140 phim. Susannah Robbins - Giám đốc điều hành SF Film Commission, nói: “Chúng tôi chỉ có những quảng cáo truyền hình, trực tuyến nhỏ, chụp ảnh và phim tài liệu. Rất khó mở rộng các quy định để việc sản xuất có thể được thuận lợi hơn, dù hiện có nhiều dự án sẽ phải khởi quay vào mùa thu/đông năm nay”.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đình trệ, khi một vài nhà sản xuất đã tìm ra cách làm phim phù hợp. Jonas Rivera - Phó Chủ tịch bộ phận sản xuất tại Pixar Anmation Studios, cho biết: “Tình hình khó khăn nhưng điều này liên quan đến những phim do người đóng. Riêng mảng hoạt hình có vẻ dễ thở hơn. Chúng tôi thay đổi phương thức và chuyển sang hình thức làm việc ở nhà, chia nhỏ không gian và công việc, tất nhiên sử dụng công nghệ nhiều hơn”. Các dự án phim hoạt hình dễ thực hiện theo phương thức này khi các họa sĩ, biên kịch có thể làm việc đơn độc tại nhà, dù cũng gặp khó khăn. Jonas Rivera chia sẻ: “Cái khó là tạo sự cộng hưởng sáng tạo mà chúng tôi có được khi làm việc cùng nhau trong một không gian, ví dụ như khi có 40 họa sĩ cùng phân tích một cảnh. Làm việc trực tuyến sẽ khó kết nối sự sáng tạo”.

“Song Bird” - tác phẩm điện ảnh đầu tiên được cấp phép quay tại Nam California, cũng đang vấp phải hàng loạt vấn đề. Paul Audley - Chủ tịch FilmLA, cho biết: Phía nhà sản xuất phải xây dựng rất nhiều phương án để thay thế các bối cảnh vốn đã định trước đó. Chưa kể, việc sản xuất còn phải tuân thủ các quy định rất nghiêm, chỉ cho phép tối đa 12 người trên trường quay cùng lúc. Thậm chí, diễn viên phải tự lo phục trang. Paul Audley phân tích, việc sản xuất như thế sẽ kéo dài thời gian và tất nhiên kinh phí sẽ đội lên theo. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm. Do đó, việc sản xuất phim trong thời điểm này khó khăn hơn nhiều và không phải là lựa chọn khôn ngoan.

BẢO LAM (Theo San Francisco Chronicle, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết