12/08/2011 - 08:11

Làm gì để doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh?

Hằng năm, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tạo ra khoảng 60% GDP, thu hút hơn 97% việc làm. Tuy nhiên, mới đây, tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ”, nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp cho rằng: DNNVV đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng hiệu quả, sức cạnh tranh như: quy mô vốn nhỏ, khả năng tiếp cận vốn yếu; trang thiết bị, công nghệ lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý còn yếu kém… Điều này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp căn cơ để DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Nhiều “điểm nghẽn”

Tình trạng thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn đang là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ. Ông Ngô Đức Huy, Giám đốc Việt Nam Tín Nghĩa Ngân hàng, Chi nhánh Thống Nhất, cho biết: “Phần lớn DNNVV chưa biết cách xây dựng các dự án, tính khả thi của phương án và dự án kinh doanh chưa cao; báo cáo tài chính, sổ sách kế toán không rõ ràng, minh bạch nên ngân hàng (NH) không thể đánh giá đúng thực trạng của doanh nghiệp và rất ngại rót vốn”.

Thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng là một trong những rào cản cho sự phát triển của DNNVV ở TP Cần Thơ. 

Về nguyên lý, DNNVV muốn tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Đoàn Ngọc Phúc, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, phần lớn DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Song song đó, việc DN sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, làm nguồn cung bị phụ thuộc vào nước ngoài; cộng với các chi phí khác như: phí vận chuyển, phí hải quan, phí điện, nước... tăng cao làm chi phí sản xuất tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Điều này đã làm cho sản phẩm của DNNVV giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong điều kiện quy mô vốn nhỏ, trang thiết bị, máy móc lạc hậu..., DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ còn đối mặt với nhiều thách thức lớn: chất lượng nguồn nhân lực; khâu tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập. Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, nói: “Thiếu lao động lành nghề, lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ thấp, cơ cấu lao động chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng... là tình trạng chung của các DNNVV trên địa bàn. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, điều hành của DNNVV còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, nhiều đơn vị vẫn chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh, trong điều hành chủ yếu là “xử lý tình huống” với công việc hàng ngày, chưa thấy được yêu cầu của quản lý hiện đại”.

Ngoài những khó khăn vừa nêu, việc phát triển DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ còn gặp không ít trở ngại. Điển hình như: thủ tục hành chính còn nhiêu khê; chưa có những quy hoạch chi tiết khu công nghiệp cho DNNVV; các chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn chưa được triển khai sâu sát, đồng bộ; tình trạng ban hành các văn bản pháp quy chưa xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh vẫn còn diễn ra...

Cần giải pháp căn cơ

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, nói: “Hiện nay, DNNVV trên địa bàn TP Cần Thơ đang hoạt động trong tình trạng “khát” vốn. Chính vì thế, họ cần sự “đồng cảm” từ phía các NH. Vào thời điểm này, tư tưởng NH là “chủ nợ” còn DNNVV là “con nợ” phải được dỡ bỏ. Thay vào đó, khi cho DNNVV vay vốn, NH cần xem đây là hoạt động đầu tư cho DN. NH sẽ giữ vai trò theo dõi và hỗ trợ để DNNVV phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay”.

Theo ông Ngô Đức Huy, Giám đốc Việt Nam Tín Nghĩa Ngân hàng, Chi nhánh Thống Nhất, để các DNNVV dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, 3 nhân tố: tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước phải được phối hợp một cách nhịp nhàng. Trước hết, các NH cần đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo nguyên tắc thị trường; cải tiến thủ tục cho vay đối với DNNVV theo hướng đơn giản, rõ ràng hơn nhằm rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Song song đó, DNNVV cần thực hiện minh bạch hóa, bài bản hóa hệ thống sổ sách kế toán. Như vậy, NH sẽ rất thuận tiện trong việc theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó nhanh chóng đưa ra quyết định cho DNNVV vay vốn. Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn, thông qua các chính sách: mở cửa thị trường tài chính trong nước đối với các tổ chức và các NH nước ngoài; hình thành các công ty tư vấn, đánh giá, xếp hạng độ tín dụng của doanh nghiệp và tính khả thi của dự án; thúc đẩy hoạt động thị trường cho thuê tài chính thông qua nhiều hoạt động khác nhau...

Về phía các DNNVV, ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, kiến nghị: “Bản thân DNNVV vốn không có tài sản thế chấp đáp ứng theo yêu cầu của các NH. Tuy nhiên, nếu DNNVV có thể chứng minh được tính khả thi của các phương án, dự án kinh doanh; minh bạch trong việc quản lý tài chính... thì NH nên mạnh dạn trong việc rót vốn cho DNNVV. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần chủ động thành lập các tổ chức, các quỹ hỗ trợ vốn, quỹ bảo lãnh tín dụng... tạo thêm nhiều cơ hội cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn”. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho rằng: “Với tình hình khó khăn chung, DNNVV cần phải hết sức nhạy bén trong kinh doanh, biến thách thức thành cơ hội. Bởi DNNVV vốn rất nhạy cảm trong việc ứng phó với những biến động thị trường. Chính vì thế, DNNVV có thể tận dụng được nguồn nguyên vật liệu, nguồn nhân lực tại chỗ... từ đó chuyển đổi nhanh chóng các mặt hàng để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”.

Để thúc đẩy nhanh sự phát triển của DNNVV ở TP Cần Thơ, giúp DNNVV nâng cao khả năng cạnh tranh, Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: “Bên cạnh vấn đề về vốn, yếu tố con người cũng giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp thu công nghệ mới. Do đó, việc quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động... cần sớm được thực hiện. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp để DNNVV có mặt bằng sản xuất ổn định, từ đó xây dựng kế hoạch kinh doanh mang tính chiến lược, lâu dài. Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Lê Hùng, Trưởng khoa Sau đại học Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Phần lớn hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh của DNNVV ở TP Cần Thơ được kế thừa và phát triển từ kinh tế hộ gia đình. Do đó, bộ phận này thường không có nhiều kinh nghiệm và không đủ sức để chống chọi lại những cú “sốc” về kinh tế đang diễn ra như hiện nay. Vì vậy, vấn đề bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý; các kế hoạch đào tạo chuyên môn, nâng dần tính chuyên nghiệp, phát huy tính sáng tạo trong công việc... cho các đối tượng này phải được thực hiện ngay từ đầu. Ngoài ra, trong khi năng lực cạnh tranh còn yếu, tự thân các DNNVV phải biết tạo mối liên kết với nhau hoặc liên kết với doanh nghiệp lớn để cùng hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh; phát triển mạng lưới phân phối; đẩy mạnh tiếp thị để cùng nhau phát triển...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết