03/05/2015 - 16:20

Kỹ sư về quê trồng cam kiếm tiền tỉ

Có tấm bằng đại học trong tay, thay vì ra thành thị xin việc như bao cử nhân khác, chàng trai Phạm Hoàng Lộc, 31 tuổi ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại quyết định về quê thuê đất trồng cam sành. Nhờ chăm chỉ và nắm bắt được kỹ thuật nên mỗi năm anh có nguồn thu nhập hàng tỉ đồng.

Vóc dáng cao, nước da ngăm, là thanh niên con nhà nông "nòi" nên mọi việc trong nhà anh đều gánh vác thay cha mẹ già và 2 đứa em. Khác với những thanh niên khác, học xong phải chen chân tìm việc nơi công sở, Phạm Hoàng Lộc quyết định chọn con đường về quê thuê đất trồng cam sành - đây cũng là loại cây trồng chủ lực của quê nhà.

Lộc tâm sự: "Khi còn là sinh viên năm 3 (năm 2010), thấy việc trồng cam sành mang lại lợi nhuận nên tôi cùng với một người thầy và đứa bạn hùn vốn mua vườn cam lá với giá 75 triệu đồng để áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình học tập. Trong lần đầu tư đó, trừ hết chi phí thầy trò còn lời hơn 200 triệu đồng". Thế là chàng sinh viên theo học ngành Sinh học – Trường Đại học Cần Thơ chọn cho mình lối đi khác với những bạn học sau khi ra trường. Lộc xác định sẽ gắn bó với cây cam sành sẽ thích hợp hơn. Để có kiến thức về cam sành như ngày hôm nay, Lộc bỏ công sức tìm tòi, nghiên cứu với biết bao tài liệu và không phụ những lời thầy cô giảng giải ở giảng đường… Điều anh băn khoăn là làm sao chọn mức độ đầu tư cho phù hợp với vốn liếng có được. Bởi theo anh có vốn ít thì làm ít, vừa để tích lũy kinh nghiệm và cũng là cách tăng vốn cho những lần đầu tư tiếp theo, không được "dục tốc bất đạt"!

Phạm Hoàng Lộc bên vườn cam sành trĩu quả, đem lại nguồn thu nhập tiền tỉ hàng năm.

Thắng lợi mùa đầu, tích lũy được một ít vốn nên thầy trò anh Lộc tiếp tục đầu tư mua 1 ha cam lá. Nhờ nắm được kỹ thuật nên vườn cam tiếp tục trúng mùa, được giá. Năm 2011, thầy trò chia tay nhau, Lộc ra trường và một mình vẫn kiên định với nghề trồng cam. Vì thế, Lộc dùng vốn tích lũy và vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng hùn với người bạn gầy dựng sự nghiệp mua 2 ha vườn cam lá. Lộc thuê thêm nhân công cắt ghép và tuyển chọn những cây sạch bệnh nên cả vườn cam của Lộc sạch bệnh, giảm được nhiều chi phí chăm sóc.

"Thường thì nông dân chủ yếu xịt thuốc vào ban ngày, trời nắng. Điều này phản tác dụng vì không trừ hết sâu bệnh mà chi phí tăng thêm. Phun thuốc vào thời điểm đó, côn trùng né ánh nắng, núp mặt sau của lá, khí khẩu lá đóng lại, ánh nắng chiếu xuống thuốc mất đi tác dụng. Còn ban đêm, côn trùng bò ra ngoài kiếm ăn và khí khẩu lá mở thuốc dễ hấp thụ, khi đó sẽ hiệu quả và tiết kiệm hơn" – Lộc chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, để vườn cam đạt hiệu quả cao, Lộc còn xử lý nguồn nước không bị nhiễm phèn và sử dụng nền phân hữu cơ để củng cố đất nhằm giảm bệnh hại trên cây trồng cũng như tăng năng suất. Liếp trồng cam được anh lên từ nền đất ruộng, liếp phải lên hàng đôi (mỗi liếp rộng 9m, mương rộng 2,5m), giữa mỗi liếp kẻ một mương nhỏ khoảng 1m để thoát nước, phèn. Mô được đắp cao 0,6 m, rộng 0,8 m, cây được trồng với khoảng cách từ 2m – 2,5 m… Dưới chân cây cam được trồng cỏ lá tre nhằm để giữ ẩm cho đất, làm cho đất tơi xốp. Còn kết hợp trồng tràm 2 mé liếp với tỷ lệ trồng xen nhằm làm giảm nhiệt độ, che chắn tránh bị nám trái vào mùa nghịch.

Lộc còn chia sẻ thêm, với kinh nghiệm và kỹ thuật của mình, tránh chuyện "được mùa mất giá", anh không cho trái vào mùa thuận mà chọn xử lý cho ra trái nghịch mùa. Nhờ đó, giá bán luôn ở mức cao. Vườn cam của Lộc trồng từ 14 – 18 tháng cho trái, năng suất đạt từ 35 - 40 tấn trái/ha, lợi nhuận mang lại từ 60 – 70%. Thường cam trồng khoảng 4 năm thì bị hư hại, nhưng trường hợp chăm sóc kỹ, đúng kỹ thuật có thể ăn tới hơn 10 năm. Trong năm 2013, vườn cam 2 ha của Lộc cho thu hoạch 60 tấn, bán giá 20.000 – 25.000 đồng/kg, trừ chi phí anh còn lãi khoảng 800 triệu đồng. Năm 2014 vừa qua, tiếp tục cho thu lãi 1,5 tỉ đồng.

Giờ đây, nhờ có nguồn vốn tích lũy, Lộc mở rộng lên 7,2 ha cam. Năm nay, vườn cam của Lộc đang cho trái và chuẩn bị thu hoạch. Lộc khẳng định: "7,2 ha cam này, thu hoạch trái chiếng (vụ đầu) sẽ cho sản lượng khoảng 150 tấn. Với giá bán từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, tôi cầm chắc không dưới 3,5 tỉ đồng". Lộc cho biết sắp tới sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích cam bằng việc thuê đất và thực hiện cơ giới hóa, canh tác theo hướng nông sản sạch để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng như phát huy giá trị của loài trái cây đặc sản.

Bài, ảnh: NGUYỄN NHÂN

Chia sẻ bài viết