17/08/2020 - 21:02

Kinh tế Nhật tuột dốc không phanh 

Quý II-2020, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã chứng kiến mức suy giảm lớn nhất trong 40 năm, mà “thủ phạm” chính là đại dịch COVID-19.

 Cảnh vắng khách tại một cửa hiệu quần áo ở thủ đô Tokyo hôm 17-8. Ảnh: Reuters

 Cảnh vắng khách tại một cửa hiệu quần áo ở thủ đô Tokyo hôm 17-8. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo công bố hôm 17-8 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này quý II năm nay đã giảm tới 27,8% so với quý trước đó. Ðây là quý thứ ba liên tiếp GDP của Nhật sụt giảm và cũng là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu thống kê số liệu này vào quý II-1980.

Giai đoạn tồi tệ nhất đối với kinh tế Nhật chỉ bắt đầu sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào giữa tháng 1-2020. Ðại dịch không chỉ hạn chế thương mại giữa Nhật Bản và các nước mà còn gây gián đoạn các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Hệ quả là trong quý I-2020, nền kinh tế này đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi GDP thực tế giảm 3,4%.

Trước đây, các chuyên gia từng dự báo quý II-2020 sẽ là một trong những quý tồi tệ nhất đối với kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, mức sụt giảm tới 27,8% đã gây bất ngờ bởi nó lớn hơn dự báo 27,2% của các nhà phân tích. Trong quý II-2020, tiêu dùng cá nhân - vốn chiếm hơn phân nửa GDP - đã giảm tới 8,2% so với quý trước đó, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sụt
giảm 18,5%.

Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm mạnh là do dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp, đồng thời khiến nhu cầu bên ngoài sụt giảm đáng kể, trong khi các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian từ ngày 7-4 đến 25-5, đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước bị đình trệ, đồng thời tác động tiêu cực đối với tiêu dùng cá nhân. Hiện nền kinh tế Nhật Bản đã mở cửa trở lại sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp khẩn cấp hồi cuối tháng 5. Dù vậy, dịch tái bùng phát đang làm mờ triển vọng chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Số liệu trên được công bố đúng một tuần sau khi thăm dò của Hãng JNN cho thấy tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe rớt xuống mức thấp kỷ lục 35,4%.

Chính phủ cần hành động mạnh hơn

Kinh tế Thái Lan suy giảm sâu nhất trong hơn 2 thập kỷ

Do tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Thái Lan tiếp tục suy giảm và đã ghi nhận mức suy giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ qua.
Theo Bloomberg, trong số liệu công bố ngày 17-8, Hội đồng Kinh tế và phát triển xã hội quốc gia (NESDC) của Thái Lan cho biết GDP nước này đã giảm 12,2% so với năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. NESDC cũng giảm dự báo tăng trưởng cả năm, theo đó tăng trưởng trong năm 2020 sẽ suy giảm từ  7,3 đến  7,8% so với mức dự báo giảm 5 - 6% đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,95% và có thêm khoảng 1,8 triệu người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm. 

Thật ra, thời gian qua Chính phủ Nhật đã tung ra nhiều gói kích thích “khủng” nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Hồi tháng 6 chẳng hạn, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự thảo ngân sách bổ sung có giá trị cao kỷ lục 31.910 tỉ yen (298 tỉ USD). Nguồn tiền từ ngân sách bổ sung thứ hai này cho phép Tokyo tăng cường biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên nền kinh tế. Theo đó, chính phủ sử dụng một phần ngân sách bổ sung để cấp 200.000 yen/người cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và 100.000 yen/người cho mỗi nhân viên tại các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận người bệnh. Ngoài ra, chính phủ xứ sở hoa anh đào cũng hỗ trợ tối đa 6 triệu yen/trường hợp cho các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn về tài chính để giúp họ thanh toán tiền thuê nhà.

Trước đó, vào cuối tháng 4, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách thứ nhất trong tài khóa 2020 có tổng trị giá 25.690 tỉ yen (240 tỉ USD) để tài trợ cho gói biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới nền kinh tế.

Nhưng giờ đây, báo cáo mới tiếp tục đặt các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản dưới sức ép phải hành động táo bạo để ngăn chặn nền kinh tế nước này rơi vào vòng suy thoái nặng nề hơn.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Kinh tế Nhật