Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), nền kinh tế nước này đang chịu ảnh hưởng của tình trạng đại dịch “COVID kéo dài”, bao gồm sự sụt giảm của tầng lớp trung lưu vốn có mức chi tiêu cao.
Sự suy giảm của tầng lớp trung lưu Indonesia có khả năng làm giảm tiêu dùng trong nước.
Một trong những “tổn thương” rõ rệt mà đại dịch COVID-19 để lại cho kinh tế Indonesia là sự sụt giảm tầng lớp trung lưu, ngay cả khi chính phủ đưa ra loạt biện pháp hỗ trợ. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), tầng lớp trung lưu là những người có mức chi tiêu cao hơn 3,5 đến 17 lần so với ngưỡng nghèo. Hiện ngưỡng nghèo của Indonesia nằm trong khung thu nhập ròng 37,64 USD/tháng, tức người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ chi tiêu từ 130 đến 640 USD/tháng. Theo số liệu của WB, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người Indonesia hiện đạt 5.270 USD.
Dựa vào xác định trên, BPS cho biết tầng lớp trung lưu ở Indonesia đã giảm 9,5 triệu người trong 5 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ người thuộc tầng lớp trung lưu chiếm 21,4% trong tổng số 267 triệu dân hồi năm 2019 đã giảm còn 17,1% trong tổng số 289 triệu dân vào năm 2024. Trong cùng kỳ, tỷ lệ tầng lớp trung lưu tương lai (tức đã thoát bẫy đói nghèo nhưng chưa an toàn như tầng lớp trung lưu) tăng nhẹ từ 48% lên 49,2% nhưng người bị coi là dễ tổn thương cũng tăng từ 20,6% lên 24,2%. “Ðây là tình trạng COVID kéo dài trong kinh tế” - theo Quyền Giám đốc BPS Amalia Adininggar Widyasanti.
Với sức chi tiêu lớn và nhanh, Bộ trưởng Ðiều phối Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết tầng lớp trung lưu có vai trò quan trọng với kinh tế quốc gia, đặc biệt khi nước này hướng tới “Tầm nhìn Vàng 2045” biến Indonesia thành quốc gia tiên tiến và thịnh vượng vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập. Ðể củng cố bộ phận dân số này, Chính phủ Indonesia đã triển khai nhiều sáng kiến bao gồm chương trình bảo trợ xã hội, ưu đãi thuế, đào tạo nghề cho người chưa kiếm được việc làm hay cung cấp khoản vay tín dụng doanh nghiệp và nhiều sáng kiến khác nữa.
Trong khi duy trì khả năng phục hồi của tầng lớp trung lưu là thách thức không tránh khỏi, các nhà phân tích đã cảnh báo sự suy giảm thêm nữa của nhóm dân số này. Theo nhà kinh tế cấp cao Fithra Faisal Hastiadi, một phần nguyên nhân là do chính phủ tập trung chủ yếu vào 20% dân số nghèo nhất và 10% dân số giàu nhất. Tỷ lệ thất nghiệp dù đang cải thiện, nhưng tác động kéo dài của đại dịch đã tạo ra sự chuyển dịch việc làm chính thức sang phi chính thức, từ đó khiến thu nhập người dân giảm xuống. Theo dữ liệu của Bộ Nhân lực Indonesia, khoảng 2,8 triệu người đã mất việc làm trong cuộc khủng hoảng.
Cùng với sa thải hàng loạt, tình trạng phi công nghiệp hóa, thiếu mạng lưới an sinh xã hội vững chắc cùng với lãi suất và lạm phát đều tăng khiến cuộc sống người dân thêm khó. Hồi tháng 1, Indonesia tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 11% lên 12% và đề xuất đánh thuế 3% vào tiền lương để trợ cấp nhà ở cho tầng lớp thấp hơn. Ðiều này được dự báo làm xói mòn thêm sức mua của tầng lớp trung lưu.
Mặc dù tầng lớp trung lưu đang thu hẹp, kinh tế Indonesia tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Trong quý 1-2024, GDP của Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng 5,11% so với cùng kỳ, vượt kỳ vọng và là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong ngân sách nhà nước năm 2025, chính phủ đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 5,2% cho năm 2025. Indonesia đã vượt qua mốc này một lần trong giai đoạn 2015-2023 khi tăng trưởng 5,31% vào năm 2022. Do vậy, BPS tin tưởng tác động của COVID-19 sẽ không kéo dài lâu khi chính phủ triển khai các chính sách giúp phục hồi kinh tế trở lại thời kỳ trước đại dịch.
Cùng với Thái Lan, Indonesia đang đàm phán gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện có 38 quốc gia thành viên có mức thu nhập cao trên thế giới. Nền kinh tế Indonesia đứng đầu Đông Nam Á với GDP đạt 1.371 tỉ USD năm 2023 và đứng thứ 7 thế giới tính theo sức mua ngang giá.
Indonesia là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Nỗ lực xin gia nhập OECD là cách thức giúp Indonesia gắn kết chính sách kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế về quản trị và thực thi, thúc đẩy lòng tin của nhà đầu tư, chuyển đổi số và chống tham nhũng.
MAI QUYÊN (Theo Nikkei, CNA)