01/07/2014 - 22:09

Kiên trì học hỏi để giúp mình, giúp người

Đến khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, hỏi thăm anh Đỗ Thanh Hải (tên thường gọi là Mười Hải) sản xuất lúa giống, người dân ở đây ai cũng biết. Noi theo tấm gương yêu lao động của Bác và với cách làm sáng tạo riêng mình, anh Mười Hải đã đưa gia đình thoát cảnh nghèo khó, tạo dựng cơ ngơi khang trang, với thu nhập 100 triệu đồng/năm. Anh cũng đã giúp cho nhiều nông dân khu vực khấm khá từ mô hình sản xuất lúa giống. Năm 2014, anh Hải vinh dự được Quận ủy Ô Môn tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Những năm gần đây, giá lúa hàng hóa bấp bênh "được mùa, mất giá", nhiều nông dân khu vực Tân Bình chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Trong đó, mô hình sản xuất lúa giống của anh Mười Hải bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Mười Hải cho biết: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc lúa, anh đứng ra tuyên truyền, vận động người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa như mô hình "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng", ứng dụng trồng lúa giống năng suất cao cung ứng cho thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2011, anh đến Trạm Khuyến nông quận mua giống lúa OMCT1 (nguyên chủng) về sạ hàng trên 6 công ruộng. Sau 3 tháng chăm sóc, năng suất đạt 60 giạ/ công, giá bán lúa 8.000 đồng/kg cho bà con nhưng không đủ giống để bán.

Thấy mô hình sản xuất lúa giống của anh Mười Hải mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều bà con ở khu vực Tân Bình cũng chuyển sang sản xuất lúa giống. Đến năm 2012, mô hình sản xuất lúa giống của anh Mười Hải cùng nhiều bà con khu vực phát triển thành Tổ hợp tác trồng lúa giống với gần 30 thành viên tham gia, với diện tích trên 27 ha. Anh Mười Hải cho biết: "Ban đầu, việc trồng lúa giống phức tạp hơn lúa hàng hóa, nhưng được cán bộ kỹ thuật theo sát nên bà con nông dân không biết chỗ nào thì hỏi ngay. Trước khi xuống giống, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật, khâu làm đất... Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu có cán bộ kỹ thuật nhắc nhở, hướng dẫn trực tiếp". Theo anh Hải, làm lúa thường, khi thu hoạch bán cho "hàng sáo", giá cả bấp bênh, làm lúa giống bán được giá cao hơn từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, từ chỗ áp dụng các kỹ thuật trồng lúa theo mô hình "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng" trên cây lúa cho hiệu quả cao, bà con nông dân đã chủ động thực hiện các mô hình này trong sản xuất lúa giống. Anh Mười Hải là một trong nhiều hộ trồng lúa ở khu vực Tân Bình đã chuyển đổi từ lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống chất lượng cao.

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình, anh Mười Hải luôn sát cánh cùng bà con nâng cao chất lượng sản xuất lúa giống.

 

Năm 2014, Tổ hợp tác Sản xuất lúa giống Tân Bình tiếp tục được nâng lên thành Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình (HTX), do anh Mười Hải làm giám đốc. HTX có 9 thành viên tham gia và vốn điều lệ là khoảng 150 triệu đồng. Để sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Mười Hải tiếp tục phối hợp cùng các cấp chính quyền và các nhà khoa học chú trọng phương thức liên kết "4 nhà" trong sản xuất để đảm bảo đầu ra cho lúa giống sau thu hoạch. Sắp tới, HTX sẽ tìm hợp đồng ký kết cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật - vật tư và bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Qua thực tế sản xuất cho thấy, so với trồng lúa hàng hóa trên cùng một diện tích canh tác, lợi nhuận thu được từ trồng lúa giống tăng hơn khoảng 30%. Mô hình này còn giúp nông dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng, hầu hết áp dụng kỹ thuật "1 phải, 5 giảm" khá hiệu quả.

Mặc dù HTX mới đi vào hoạt động nhưng anh Mười Hải đầu tư các trang thiết bị để đảm bảo cung ứng lúa giống chất lượng ra thị trường. Cụ thể: Đầu năm 2014, anh đầu tư được lò sấy lúa giống để phục vụ sấy lúa cho gia đình và các thành viên trong HTX. Bên cạnh đó, anh Mười còn đầu tư thêm máy sàn lọc hạt để phục vụ cho quy trình sản xuất lúa giống của HTX. Để HTX đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả, sắp tới anh Mười Hải tiếp tục vận động bà con tham gia vào HTX trồng lúa giống để tăng diện tích sản xuất, tăng số lượng lúa giống để mở rộng thị trường, giúp bà con an tâm phát triển sản xuất và vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Với vai trò Giám đốc HTX, anh Mười Hải không chỉ giúp nhiều thành viên ăn nên làm ra mà còn giúp đỡ nhiều nông dân bằng cách bán lúa giống trả chậm không tính lãi, tận tình hỗ trợ về kỹ thuật. Anh Hồ Văn Đe, một người dân địa phương cho biết: "Tôi mua lúa giống của anh Hải 3 năm nay vì giống ở đây nẩy mầm khỏe, nhẹ phân, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Mỗi khi có thắc mắc về kỹ thuật, bà con trong khu vực thường đến nhà anh Hải nhờ giúp đỡ, anh chỉ dẫn tường tận cách chăm sóc, loại thuốc cần phun xịt,... Bà con làm theo là lúa hết bệnh ngay". Nhắc tới những lời khen tặng của bà con, anh Mười Hải bộc bạch: "Tôi từng trải qua những năm tháng nghèo khó, làm quần quật mà không đủ ăn nên rất hiểu tâm trạng lo lắng của bà con, hễ làm được gì cho bà con là mình làm ngay. Đây cũng là cách làm của riêng tôi trong quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ".

Theo anh Hải, để có được cơ ngơi, điều kiện kinh tế vững vàng như hôm nay, không chỉ là quá trình lao động cần cù mà còn là sự kiên trì học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm để thực hiện thành công mô hình kinh tế hiệu quả. Anh nhớ lại vào năm 1987, khi lập gia đình, vợ chồng anh không có đất ruộng. Hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống càng thêm khó khăn, vợ chồng anh vừa nấu rượu nuôi heo, vừa đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Nhờ siêng năng, cần kiệm, anh chị tích lũy mua được hơn 6 công ruộng. Ban đầu, theo tập quán sản xuất cũ, anh sạ lúa thường và sạ dầy, nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia Hội Nông dân phường Trường Lạc, anh Mười Hải được các nhà khoa học tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa. Đến nay, anh Mười Hải là người ứng dụng thành công kỹ thuật trồng lúa giống và nhân rộng cho nhiều bà con trong và ngoài khu vực sản xuất.

Ông Trần Hoàng Tranh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trường Lạc, cho biết: "Mô hình sản xuất lúa giống của anh Mười Hải và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Bình là một điển hình về sự năng động trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, HTX còn mở ra triển vọng hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa giống cung ứng bà con trên địa bàn quận và cung ứng sang các tỉnh lân cận".

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết