04/03/2009 - 08:24

Kiến nghị thành lập Ủy ban giám sát của Quốc hội và bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội

Ngày 3-3, Hội thảo về “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” do Đảng đoàn Quốc hội, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án về công tác giám sát của Quốc hội phối hợp tổ chức tiếp tục thảo luận, cho ý kiến để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát.

Nói về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh nhận xét trên thực tế quy định này vẫn chưa được thực thi. Để quy định này thành hiện thực, đại biểu đề xuất 2 phương án: một là phải có cơ chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban tổ chức Trung ương để xem xét trong điều kiện nào, ai cần phải bỏ phiếu tín nhiệm. Theo phương án này, Đảng Đoàn Quốc hội phải chủ động phối hợp với các cơ quan Đảng xây dựng cơ chế và hình thành Quy chế. Phương án hai cần phải sửa đổi quy định việc này trong Luật tổ chức Quốc hội theo hướng bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ, có thể một nhiệm kỳ bỏ phiếu hai hoặc ba lần. Theo phương án này thì cứ đến thời hạn thì thực hiện. Về giám sát chuyên đề, đại biểu đề nghị cần phải được luật hóa.

Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần làm rõ trong một năm có nên giám sát 14 chuyên đề hay không (10 chuyên đề của các Ủy ban và Hội đồng dân tộc, 2 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 2 chuyên đề của Quốc hội). Từ đó đại biểu đề xuất năm nào xét thấy thật sự cần thiết thì Ủy ban thường vụ Quốc hội mới giám sát chuyên đề riêng; Ủy ban nào được phân công chủ trì phối hợp giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không nhất thiết phải có chuyên đề riêng của Ủy ban.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như vị trí pháp lý của Quốc hội chỉ thực sự có ý nghĩa khi Quốc hội xác định tầm quan trọng của hoạt động giám sát và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, TS Trương Thị Hồng Hà (Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện hành chính và chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất: củng cố các công cụ giám sát phù hợp như bổ sung quyền chất vấn tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; bổ sung quyền điều tra cho đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu đề nghị xác định chức năng, nhiệm vụ cũng như tiêu chí của việc thành lập Ủy ban lâm thời để tiến hành điều tra; thành lập Ủy ban giám sát của Quốc hội làm nhiệm vụ điều hòa các hoạt động giám sát; thành lập Ủy ban Dân nguyện để thực hiện chức năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận và giải quyết các thỉnh nguyện của cử tri cả nước...

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết