12/03/2020 - 06:22

Kiên Giang đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao 

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Năm 2019, trong lĩnh vực trồng trọt và trồng trọt kết hợp với thủy sản, đơn vị đã thực hiện 24 dạng mô hình, trong đó gồm: 11.191ha cây lúa, 1.618ha tôm - lúa, cá - lúa, 70 điểm cây rau - màu, 220ha cây ăn trái. Riêng về cây lúa, đã triển khai 9 dạng mô hình hướng tới đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo nguồn giống chất lượng cho nông dân; tăng cường hoạt động liên kết, bao tiêu sản phẩm, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa”.

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng lớn tại huyện Tân Hiệp, Kiên Giang.

Cụ thể, dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó biến đổi khí hậu đã thực hiện được 3.940ha, với các giống lúa như: Jasmine 85, OM 6976, OM 5451, OM 4900, Đài thơm 8 và ĐS1. Thực hiện mô hình, đã có gần 200ha áp dụng quy trình máy cấy, giúp giảm lượng giống gieo sạ, quản lý tốt đồng ruộng. Quá trình sản xuất, đã góp phần giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm bón thừa phân đạm, giảm ô nhiễm môi trường và thay đổi dần các tập quán canh tác lạc hậu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Ông Hoàng Trung Kiên đánh giá: “Việc triển khai phát triển cánh đồng lớn đã hình thành vùng sản xuất tập trung, sản phẩm làm ra có số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường tạo mối liên kết giữa “bốn nhà”, tăng giá trị nông sản và giảm giá thành sản xuất. Qua đó, phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ cộng đồng nông dân, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi trường. Sản phẩm làm ra được các đơn vị liên kết bao tiêu: Công ty Xuất nhập khẩu Kiên Giang, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Giống cây trồng miền Nam”.

Hiệu quả kinh tế trong vụ hè thu 2019 nông dân Kiên Giang đã giảm chi phí sản xuất trung bình được khoảng gần 2 triệu đồng/ha, tăng năng suất trung bình khoảng 0,5 tấn/ha, tăng hiệu quả kinh tế của hơn 4 triệu đồng/ha.

Dự án cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất ở các tỉnh phía Nam, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vụ hè thu 2019 thực hiện được 72ha, tại huyện Tân Hiệp. Dự án đầu tư hỗ trợ máy cấy lúa và máy phun phân bón cho nông dân, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng và giúp nông dân giảm được lượng giống gieo sạ một cách hiệu quả. Cụ thể, đối với phương pháp sử dụng máy cấy, nông dân chỉ sử dụng 50kg lúa giống/ha, tiết kiệm được 150 kg/ha so với sạ tay truyền thống.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 được thực hiện tại huyện Hòn Đất, với diện tích 40ha. Mục tiêu nhằm chuyển giao quy trình sản xuất lúa giống cấp xác nhận, giúp nông dân tự sản xuất lúa cấp xác nhận tại nông hộ và thành lập các tổ nhân giống lúa trên địa bàn, để cung ứng cho nhu cầu giống phù hợp với định hướng vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Lượng giống sản xuất ra được nông dân sử dụng để giống cho vụ sau và trao đổi với các hộ nông dân khác, góp phần giảm chi mua lúa giống trong canh tác. 

Mô hình canh tác lúa thông minh trên vùng đất phèn mặn thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Kiên Giang, thực hiện 234ha ở 2 huyện Hòn Đất và Gò Quao. Mô hình đã lắp đặt 8 trạm quan trắc môi trường và 7 ống cảm biến ướt khô xen kẽ, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật để quản lý và phân phối nước trong canh tác lúa thông minh. Qua đó, nông dân có thể giám sát mực nước trên bề mặt ruộng tự động để tiết kiệm nước tưới, nâng cao giá trị và hiệu quả lợi nhuận, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao và bền vững của tỉnh.

Cánh đồng lớn canh tác lúa tiên tiến, đã thực hiện được 330 ha/2 vụ. Mô hình đã góp phần quan trọng trong việc định hướng cho nông dân áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất, giảm đáng kể lượng giống xuống còn 50 kg/ha, giảm được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế tối đa diện tích lúa đổ ngã của cây lúa, góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch. Mô hình này có nhiều tiềm năng để phát triển trong việc định hướng sản xuất lúa giống và gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ, góp phần tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

Bài, ảnh: MINH KHÁNH

Chia sẻ bài viết