29/06/2008 - 20:59

Ông Nguyễn Ngọc Minh-Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ:

Kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, niêm yết giá những mặt hàng thiết yếu

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Công văn số 3366/VPCP- KTTH (ngày 22- 5-2008) về việc bình ổn thị trường trong nước. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban ngành liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp về chống đầu cơ tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Mặt khác, thường xuyên rà soát, duy trì cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Ngọc Minh xung quanh vấn đề này.

* Hiện nay, việc quản lý kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu của thành phố được triển khai thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá. Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng, UBND quận, huyện thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia các ngành: công an, thuế, y tế tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đầu cơ tăng giá, nạn buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả. Mặt khác, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá bán hàng hóa ở các chợ, trung tâm thương mại... và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 537 vụ, phạt vi phạm 292 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách trên 341 triệu đồng.

* Thưa ông, hiện nay ngành công thương thành phố đề ra những giải pháp gì để cân đối cung cầu và dự trữ, tạo điều kiện bình ổn giá?

Niêm yết giá gạo tại một cửa hàng bán lẻ ở TP Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ

- Giá cả một số mặt hàng thiết yếu như: phân bón, sắt thép, xi măng... có liên quan đến mặt bằng giá cả thị trường thế giới do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, nhất là ảnh hưởng bởi giá dầu thô tăng cao, làm cho chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào tăng, kéo theo giá những mặt hàng này tăng. Vừa qua, Chính phủ có nhiều chủ trương, giải pháp mạnh và quyết liệt để kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Hiện nay, Sở Công Thương đang đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 959/QĐ-UBND (ngày 24-4-2008) của UBND thành phố ban hành những giải pháp chủ yếu, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và các biện pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững năm 2008. Ngoài ra, Sở còn tham mưu cho thành phố đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BCĐ 127). Ngày 24-6-2008, UBND thành phố đã chủ trì cuộc họp BCĐ 127 để triển khai thực hiện kế hoạch “Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường” từ nay đến cuối năm 2008. Trong đó, tập trung kiểm tra giá cả các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, xăng dầu, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp... Mặt khác, theo dõi và kiểm tra lượng hàng hóa ở các cơ sở sản xuất, cung ứng tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu, góp phần bình ổn giá trên địa bàn thành phố. Nếu các đơn vị kinh doanh vi phạm sẽ xem xét xử lý bằng các biện pháp hành chính, luật pháp, rút giấy phép kinh doanh (đối với những cây xăng găm hàng theo chỉ đạo của Bộ Công Thương). Việc kiểm soát nguồn hàng, giá bán sẽ phối hợp với quận, huyện tiến hành kiểm tra đến tận xã, phường. Giám đốc và các Phó Giám đốc Sở Công Thương đã phân công địa bàn để theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả và hàng hóa, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Ngoài ra, công tác dự báo cung cầu, giá cả thị trường cũng đang được chú trọng. Sở sẽ cố gắng chuyển tải nội dung về cam kết lộ trình WTO, chính sách xuất nhập khẩu, rào cản thương mại... để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và chủ động điều chỉnh kịp thời các hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa khi thị trường nhiều biến động. Việc kiềm chế lạm phát, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Tôi nghĩ hiện tại cần thực hiện tốt các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị tăng thêm của hàng hóa. Khuyến khích doanh nghiệp của thành phố liên kết với doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL... nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển thương mại- dịch vụ.

* UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Công tác này đã được Sở triển khai như thế nào, thưa ông?

- Trước mắt là tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp tính toán giảm chi tiêu chưa thật cần thiết nhằm góp phần giảm áp lực tăng giá đối với một số mặt hàng đang có chiều hướng gia tăng. Phát huy hơn nữa tính dân chủ trong công tác vận động quần chúng, doanh nghiệp không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Cần xác định rõ đây là giải pháp cấp bách, nhưng cũng là thường xuyên và lâu dài. Như vậy, công tác tuyên truyền mới đạt kết quả.

* Để bình ổn giá, công tác dự báo tình hình thị trường rất quan trọng. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

- Quả thật công tác dự báo thị trường rất quan trọng. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương, các đơn vị sản xuất cũng như người dân rất ít được thông tin về cung cầu hàng hóa của thị trường. Từ đó, làm cho nền kinh tế luôn bị động, các doanh nghiệp khó lường trước những khó khăn, trở ngại... không cân đối được cung cầu hàng hóa, gây khó khăn cho bình ổn giá trên thị trường.

Khắc phục tình trạng trên, trước mắt cần tăng cường công tác cung cấp thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo tình hình cung- cầu, giá cả thị trường. Mặt khác, thực hiện tốt chính sách về nhập khẩu của Nhà nước, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Quản lý chặt khâu lưu thông phân phối, nhất là mặt hàng thiết yếu, tạo cơ sở hình thành bình ổn giá. Sở sẽ phối hợp với các vụ chức năng của Bộ Công Thương, nhất là các Thương vụ ở nước ngoài hỗ trợ thông tin cung cầu hàng hóa giúp các doanh nghiệp tăng cơ hội giao thương, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

* Thưa ông, việc đảm bảo cán cân thương mại của thành phố sẽ được thực hiện như thế nào trong 6 tháng cuối năm?

- Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 327 triệu USD, tăng 42% so cùng kỳ (đạt 48% kế hoạch năm); nhập khẩu hơn 264 triệu USD, tăng 78% so cùng kỳ bằng 66% kế hoạch năm. Tuy xuất khẩu có tiến độ hoàn thành chậm so với nhập khẩu, nhưng về giá trị tuyệt đối thì kim ngạch nhập khẩu còn thấp hơn kim ngạch xuất khẩu 63 triệu USD. Như vậy, cán cân xuất nhập khẩu của thành phố vẫn còn xuất siêu. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là phục vụ nhu cầu sản xuất, cụ thể như: xăng dầu chiếm 51%, phân bón 14%, nông dược 7%, sắt thép 6%, nguyên liệu may mặc 8%...

TP Cần Thơ đang phấn đấu trở thành thành phố trung tâm xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL. Do đó, việc nhập khẩu hàng hóa của thành phố không chỉ phục vụ nhu cầu của địa phương mà còn phục vụ nhu cầu cho các tỉnh trong vùng. Vì vậy, khả năng kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh trong thời gian tới là điều tất yếu. Để đảm bảo cán cân thương mại thành phố, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất tháo gỡ khó khăn để sản xuất ngày càng hiệu quả hơn.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết