21/07/2020 - 10:18

Kịch bản phục hồi kinh tế cho ÐBSCL hậu COVID-19 

Đánh giá về ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế nhận thấy rằng, vùng ĐBSCL do đặc thù về ngành nghề, tập trung nhiều ở chế biến nông, thủy sản nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh có độ trễ nhất định. Hậu COVID-19, nhiều thị trường tiêu thụ chủ lực các mặt hàng nông, thủy sản đều giảm đơn hàng đáng kể. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) phục hồi hoạt động, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực. Tuy nhiên, một số DN cho rằng, các chính sách chưa thực sự giải quyết khó khăn của DN.

Các hoạt động vận chuyển, giao thương hàng hóa vùng ĐBSCL đang dần phục hồi sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.

►Bức tranh kinh tế  hậu COVID-19

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ vào tháng 5-2020, DN cả nước nói chung và ÐBSCL nói riêng đánh giá COVID-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Trong đó giảm mạnh nhất là lượng đơn đặt hàng mới (giảm 80,7%), tổng doanh thu (giảm 77,8%), lượng mua nguyên vật liệu đầu vào (giảm 61,6%) và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (giảm 61,1%). Trong khi đó số DN kinh doanh tăng lên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng 3,5-6,6%, chủ yếu là các DN hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế, găng tay, khẩu trang y tế. Cùng đó, tỷ lệ DN có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm chiếm 59,1%, trong khi tỷ lệ tăng lên chỉ chiếm 4,6%...

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, cho biết, tại ÐBSCL, với những đặc thù ngành nghề tập trung nhiều ở lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh có độ trễ nhất định. Nếu như ngành Thương mại dịch vụ, du lịch bị tác động ngay khi dịch bùng phát thì ngành Chế biến nông thủy sản còn cầm cự trong thời gian dịch bệnh, nhưng đến nay thị trường tiêu thụ chủ lực là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Ðông... đều giảm đơn hàng đáng kể, nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như: trái cây giảm 21,4%, cá tra giảm 39,1%, tôm giảm 14,5%... Nhiều DN sản xuất ngành Nông nghiệp, chế biến nông sản rơi vào tình trạng nguyên vật liệu tồn kho và sản phẩm tồn kho với tỷ lệ lần lượt là 34,3% và 44,1%, hoạt động cầm chừng. Trong khi các DN trong những lĩnh vực khác như: dịch vụ du lịch, xây dựng - bất động sản, vận tải, logistics, may mặc, da giày.... vẫn chưa phục hồi, các DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh. Với những ảnh hưởng trên, 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của vùng ÐBSCL chỉ tăng 2,08%. Ðây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua. Số DN đăng ký thành lập mới tại ÐBSCL là 4.567 DN, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước... Những con số này đã cho thấy dịch COVID-19 đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến DN.

Dưới tác động của COVID-19, trong quý I-2020, các DN hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và kinh doanh nhà đất chịu tác động lớn nhất bởi các quy định cách ly, giãn cách xã hội khi nhu cầu ăn uống, du lịch, thuê địa điểm kinh doanh đột ngột giảm xuống. Nhận định tác động của dịch COVID-19 đến lao động của DN, hầu hết các DN tại ÐBSCL cho rằng, do sụt giảm về quy mô và doanh thu nên phải giảm lượng lao động. Tuy vậy, tỷ lệ sụt giảm lao động vẫn thấp hơn so với tỷ lệ sụt giảm về quy mô và doanh thu.

Trước những khó khăn của cộng đồng DN do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN thể hiện qua các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch. Ðây được xem là những giải pháp kịp thời, hiệu quả của Thủ tướng; sự vào cuộc của các bộ ngành. Riêng tại các tỉnh ÐBSCL, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp ngay và sau khi đại dịch bùng phát để tìm hiểu, đánh giá thiệt hại của DN, tìm các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh.

►Gỡ khó để phục hồi

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp các DN phục hồi hậu COVID-19 có thể gộp thành 3 gói: chính sách tín dụng (giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ,...) chính sách tài khóa (gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, tiền thuê đất), chính sách về lao động (tạm dừng đóng phí công đoàn, quỹ tử, tuất, tín dụng chính sách để trả lương). Mặc dù vậy, các DN tại ÐBSCL phần lớn được giãn thời gian nộp thuế 2 tháng nên theo các DN, chưa thực sự giải quyết khó khăn. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực nông - thủy sản cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tuyên bố giảm lãi suất 2-2,5 % cho DN bị ảnh hưởng nhưng các ngân hàng thương mại phần lớn chỉ giảm từ 0,3-1%. Ðơn cử một DN hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước được vay với lãi suất tối đa 6% nhưng DN cho rằng, thủ tục thẩm định của ngân hàng phức tạp, rườm rà nên thực tế DN vẫn phải vay với lãi suất 8%/năm. Cùng đó, một số ngân hàng thương mại chỉ cơ cấu nợ và giãn nợ chứ không có chính sách giảm lãi suất cho DN...

Theo lý giải của các ngân hàng, đơn vị đã giảm lãi suất cho DN với mức giảm từ 1-2%, tùy theo đánh giá của ngân hàng dựa vào các tiêu chí: tình hình kinh doanh của DN có bình thường không, tỷ lệ sụt giảm doanh thu của DN, khả năng phục hồi như thế nào, lịch sử thanh toán của DN, có bị nợ trễ hạn, quá hạn...  Theo một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang hoạt động tại TP Cần Thơ, tính đến ngày 30-4-2020 đã cơ cấu nợ được 2 khách hàng DN với dư nợ 64 tỉ đồng, giảm lãi từ 1-2% cho 32 DN với tổng dư nợ 1.200 tỉ đồng, giảm lãi cho 16 khách hàng ở phân khúc bán lẻ với tổng dư nợ 75 tỉ đồng.

ÐBSCL không chỉ chịu ảnh hưởng từ COVID-19, mà vùng còn chịu nhiều tác động tiêu cực khác từ biến đổi khí hậu và những khó khăn chưa vượt qua về trình độ lao động và hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, các DN tại ÐBSCL vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm cho người lao động. Chính phủ và chính quyền các địa phương cùng cộng đồng DN ÐBSCL đang nỗ lực vượt qua khó khăn. Những tín hiệu kinh tế của vùng "ấm dần" đang làm cho cộng đồng DN trong vùng có niềm tin hơn. Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre), cho biết, do khai thác tốt thị trường trong nước từ những năm trước nên DN không bị tác động nhiều bởi dịch COVID-19. Tình hình kinh doanh trong nước ổn định nên khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh là một trong những điều kiện thuận lợi để DN cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu. 

Tại hội nghị họp mặt hội viên thường niên 2020 do VCCI tại Cần Thơ tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng, trước sự kiểm soát tốt dịch COVID-19, cho đến nay chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ tuyên bố quyết tâm giữ lạm phát năm 2020 ở mức dưới 4%. Đây được xem là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ với nhà đầu tư về việc giữ vững ổn định môi trường đầu tư.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết