06/05/2012 - 20:03

Khủng hoảng kinh tế "phủ bóng đen" cuộc bầu cử ở Serbia

Cảnh sát lập hàng rào trước bảng giới thiệu 2 ứng viên  Boris Tadic và Tomislav Nikolic. Ảnh: AFP 

Hôm qua (6-5), gần 7 triệu cử tri Serbia đã đi bỏ phiếu để bầu lại tổng thống, quốc hội và các lãnh đạo địa phương của nước này. Hãng tin pháp AFP nhận định đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, cuộc bầu cử xoáy sâu vào vấn đề kinh tế chứ không phải những mâu thuẫn cố hữu của vùng Balkan, vốn đã khiến Serbia nhiều năm bị cô lập với cộng đồng quốc tế.

Những cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy đảng Dân chủ của đương kim Tổng thống Boris Tadic và đảng Cấp tiến Serbia của ứng viên Tomislav Nikolic hiện vẫn bám sát sao nhau trong cuộc đua vào quốc hội 250 ghế. Nhiều khả năng, cả 2 đảng sẽ cùng đạt được 30% số phiếu ủng hộ và không có đảng nào giành được đa số phiếu để có thể thành lập chính phủ của riêng mình. Theo các nhà phân tích, đảng Xã hội của cố Tổng thống đầy quyền lực Slobodan Milosevic cũng sẽ mất đi vai trò là “nhà sáng lập vua” trong quốc hội kế tiếp.

Theo AFP, Tổng thống Tadic thân châu Âu và đối thủ Nikolic thân Nga đang dẫn đầu trong số 12 ứng viên cho chiếc ghế tổng thống sắp tới. Theo dự đoán của các nhà phân tích, ông Tadic và Nikolic sẽ phải gặp lại nhau trong cuộc bầu cử vòng 2 và nhiều khả năng, Tổng thống đương nhiệm 54 tuổi sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3.

Tổng thống Tadic được xem là người có công đưa Serbia từ một quốc gia bị quên lãng trở thành ứng viên của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 3 năm nay. Theo các nhà phân tích, cuộc bầu cử lần này đóng vai trò hết sức quan trọng cho Serbia trong giai đoạn 10 năm tới về mặt kinh tế, chính sách đối ngoại lẫn cách thức vượt qua những thử thách sắp tới. Bức tranh kinh tế hiện nay của Serbia hiện đang ở thời kỳ vô cùng ảm đạm. Giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành viên Nam Tư (cũ) chỉ tăng 1,6% trong năm 2011 và được dự đoán sẽ khựng lại trong năm nay. Theo các nhà kinh tế, đồng dinar đang ngày càng mất giá và tỷ lệ thất nghiệp vốn đã ở mức 24% sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Trước bối cảnh đó, đối thủ Nikolic cam kết sẽ thu hút đầu tư từ khu vực bên ngoài EU, tăng việc làm, ổn định tài chính, bài trừ tham nhũng... nếu ông đắc cử. Chủ tịch đảng Cấp tiến Serbia cũng lên kế hoạch thắt chặt mối quan hệ với đồng minh xưa là Nga. Nhà lãnh đạo thân cận của cố Tổng thống Milosevic này cũng thừa nhận việc gia nhập EU sẽ có lợi cho Serbia. Tuy vậy, ông lại cho rằng Serbia “chỉ có thể gia nhập EU nếu có Kosovo”, đồng nghĩa với việc ông vẫn muốn giành lại phần lãnh thổ ở miền Nam đã ly khai từ năm 2008 này.

TRIẾT VĂN (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết