03/07/2022 - 08:28

Khủng hoảng chồng khủng hoảng tại Afghanistan 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Trận động đất vừa qua tại Afghanistan đã làm chồng chất thêm các cuộc khủng hoảng kể từ khi phong trào Hồi giáo Taliban lên nắm quyền lần hai vào tháng 8 năm ngoái, giữa lúc nhiều nước trên thế giới đang đau đầu vì vấn đề lạm phát nghiêm trọng và thậm chí thiếu thốn lương thực, xăng dầu sau đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Nga - Ukraine.

Người dân làng tại Afghanistan sau trận động đất hôm 22-6. Ảnh: CNN

Bài toán người DI cư và tị nạn

Hội đồng tị nạn Na Uy (NRC) mới đây cảnh báo, gần 500.000 hộ gia đình ở Afghanistan có thể sớm trở nên vô gia cư trong bối cảnh chính phủ nước này có kế hoạch đuổi những người di cư trong nước về nơi họ được sinh ra.

Theo tờ Khaama Press, người di cư được cho đã bị Taliban xua đuổi khỏi các khu định cư không chính thức ở khu vực ngoại ô thủ đô Kabul, thành phố Mazar-e-Sharif và một số tỉnh khác như Daikundi. “Gần 4.000 người đã bị đuổi khỏi nhà riêng của họ ngay trong và xung quanh thủ đô Kabul” - Giám đốc NRC Neil Turner trong một tuyên bố cho hay. Ông Turner lo ngại rằng nếu tình trạng này tiếp diễn thì hàng chục ngàn người Afghanistan một lần nữa sẽ phải di dời chỗ ở và trong tình huống như vậy, các tổ chức cứu trợ sẽ không thể ứng phó với một làn sóng di cư khác.

Trong nhiều thập niên qua, người dân Afghanistan đã phải di dời chỗ ở do chiến tranh, hạn hán, bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế. Họ sống tạm bợ tại các khu đất bên ngoài các thị trấn lớn hơn mà theo thời gian đã phát triển thành các khu định cư không chính thức. Trong tuyên bố của mình, NRC kêu gọi Afghanistan ngay lập tức chấm dứt việc đóng cửa các khu định cư này, qua đó yêu cầu chính quyền Taliban cần tập trung vào các giải pháp lâu dài dành cho những người Afghanistan phải di dời chỗ ở, bên cạnh việc giải quyết tình trạng suy sụp kinh tế. Ông Turner cho rằng trừ khi chính quyền Taliban có các giải pháp hợp lý, việc đóng cửa các khu định cư không chính thức sẽ khiến người dân vốn đang gặp khó khăn sẽ gặp rủi ro lớn hơn. 

Ðầu tháng 2 năm nay, NRC cho biết cuộc xung đột tại Afghanistan hồi năm ngoái đã khiến hơn 700.000 người phải rời bỏ nhà cửa, nâng tổng số người Afghanistan phải di cư trong những năm qua lên con số 6,2 triệu. Trong đó, gần 86% số người tị nạn này đang ở 3 nước láng giềng của Afghanistan và 12% đang sống ở châu Âu. Theo dữ liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Pakistan hiện là nơi trú ẩn của 1,4 triệu người tị nạn Afghanistan đã đăng ký cùng với khoảng 2 triệu người sống “chui”. Ngoài Pakistan, người tị nạn Afghanistan còn “trôi dạt” khắp nơi. Ước tính, gần 800.000 người tị nạn đã đăng ký và ít nhất 2 triệu người sống “chui” tại Iran. Số lượng nhỏ hơn người tị nạn và người xin tị nạn Afghanistan là ở Ấn Ðộ (15.689), Indonesia (7.692) và Malaysia (2.478). Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn nhất thế giới, có 980 người tị nạn Afghanistan đã đăng ký và 116.000 người Afghanistan xin tị nạn.

“Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Afghanistan làm gia tăng cả nhu cầu nhân đạo lẫn rủi ro di dời chỗ ở trong nước cũng như sang các nước trong khu vực” - Ugochi Daniels, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), lo ngại. Theo IOM, người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, ngày càng dễ bị tổn thương và cần phải được bảo vệ.

Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Trong khi đó, trận động đất 5,9 độ Richter khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và 10.000 ngôi nhà bị phá hủy hôm 22-6 đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội - an ninh tại quốc gia Tây Nam Á này giữa lúc giá cả lương thực, dầu mỏ tăng chóng mặt trên quy mô toàn cầu. Một báo cáo mới đây cho biết có gần 50% trên tổng số 40 triệu dân Afghanistan không đủ ăn do mùa màng thất bát vì hạn hán. Khủng hoảng kinh tế, giá cả lương thực nhập khẩu tăng cao và tác động của đại dịch COVID-19 đang chồng chất thêm hàng triệu người thiếu ăn ở nước này.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đưa ra lời kêu gọi khoản viện trợ khẩn cấp 110 triệu USD hỗ trợ hơn 360.000 người Afghanistan trong 3 tháng tới tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do trận động đất trên, đặc biệt ở các tỉnh Paktika và Khost, Ðông Nam Afghanistan. Ông Martin Griffiths, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách cứu trợ nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, thừa nhận việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan rất phức tạp do Taliban đang kiểm soát đất nước.

Các tổ chức cứu trợ từ Pakistan, Qatar, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ấn Ðộ, Úc và Mỹ đã cam kết hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan. Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ sẽ viện trợ gần 55 triệu USD cho Afghanistan để khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng này. Theo ông Blinken, với khoản ngân sách hỗ trợ nói trên, tổng viện trợ của Mỹ dành cho Afghanistan lên hơn 774 triệu USD trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh châu Âu thời gian qua đã chỉ tập trung vào cuộc chiến Nga - Ukraine, bao gồm lo việc giải quyết  cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư tại Ukraine.

Sau khi lực lượng Taliban nắm quyền, Mỹ đã đóng băng 7 tỉ USD dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế đã ngừng cung cấp khoản viện trợ trực tiếp trị giá hàng tỉ USD cho quốc gia này. Taliban và Mỹ được cho đang đàm phán tại Qatar về việc dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản  nhằm mục đích tái thiết đất nước sau trận động đất.

Chia sẻ bài viết